Nỗ lực hạ nhiệt
Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân của I-ran đã dấy lên lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Ðông. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rét cùng nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực kêu gọi kiềm chế, tránh để vụ việc châm ngòi cho những hành động bạo lực, đồng thời thúc đẩy thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân I-ran, góp phần bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực.
Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân của I-ran đã dấy lên lo ngại căng thẳng leo thang ở Trung Ðông. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rét cùng nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực kêu gọi kiềm chế, tránh để vụ việc châm ngòi cho những hành động bạo lực, đồng thời thúc đẩy thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân I-ran, góp phần bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực.
I-ran đã tăng cường an ninh sau khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu nước này M.Phác-ri-da-đê bị ám sát trong vụ tiến công bằng bom xe và xả súng ở thành phố Áp-xát, gần thủ đô Tê-hê-ran. Vụ tiến công nhằm nhà khoa học vốn bị phương Tây coi là "kiến trúc sư" của chương trình hạt nhân bí mật của Tê-hê-ran đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ I-ran. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni cáo buộc I-xra-en tìm cách gây hỗn loạn bằng cách thực hiện vụ sát hại ông Phác-ri-da-đê. Trong thư gửi Tổng Thư ký LHQ, Ðại sứ I-ran tại LHQ nêu rõ, có những dấu hiệu thật sự về trách nhiệm của I-xra-en trong vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân I-ran; khẳng định Tê-hê-ran bảo lưu quyền tự vệ. I-ran tuyên bố sẽ đáp trả và trừng phạt những kẻ đứng sau vụ việc, vào thời điểm thích hợp.
Vụ việc xảy ra như "thêm dầu" vào "lửa giận" của I-ran sau hàng loạt những động thái leo thang căng thẳng giữa I-ran với Mỹ và I-xra-en trong suốt thời gian qua. I-ran đã nhiều lần cáo buộc phương Tây và I-xra-en, mà cụ thể là Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo I-xra-en (MOSSAD), đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của I-ran. Trong lúc sự việc chưa được làm sáng tỏ và chưa có thông tin về nhóm tay súng gây ra vụ tiến công, nhiều nước trong khu vực lên án "hành động khủng bố", song cũng kêu gọi sự kiềm chế tránh để tâm lý hoài nghi bao trùm làm gia tăng căng thẳng ở khu vực. Tổng Thư ký LHQ hối thúc kiềm chế và tránh bất cứ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng. Các cường quốc châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân I-ran cũng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không để sự việc gây ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của I-ran.
Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà I-ran ký với các cường quốc nhóm P5+1 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), các đồng minh châu Âu của Mỹ còn ở lại thỏa thuận luôn nỗ lực kêu gọi giảm căng thẳng giữa Tê-hê-ran và Oa-sinh-tơn nhằm tránh để thỏa thuận này bị đổ vỡ. Mới đây, I-ran hối thúc các cường quốc châu Âu Pháp, Ðức và Anh thực thi cam kết nhằm bảo vệ quyền lợi hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo theo JCPOA. Tuy nhiên, việc I-ran cắt giảm thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận, cùng với những hoạt động làm giàu u-ra-ni của Tê-hê-ran gây ra không ít bất đồng giữa các bên, làm gia tăng căng thẳng Mỹ - I-ran. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) mới đây nhận định, giải trình của I-ran về sự tồn tại của vật liệu hạt nhân tại một cơ sở chưa được công bố ở nước này là "không đáng tin cậy", dù giới chức I-ran đã cung cấp một số thông tin về địa điểm hạt nhân. Báo cáo của IAEA xác nhận, dự trữ u-ra-ni đã làm giàu của I-ran hiện cao hơn 12 lần so với giới hạn được quy định trong JCPOA.
Trong khi đó, nhằm tiếp tục chính sách "gây sức ép tối đa" đối với I-ran, chính quyền Tổng thống Mỹ Ð.Trăm liên tiếp gia tăng "đòn trừng phạt". Truyền thông khu vực cho biết, Mỹ đã triển khai một số máy bay ném bom hạng nặng B-52H Stratofortress đến Trung Ðông nhằm khẳng định lại các cam kết với các đồng minh và đối tác. Loại máy bay ném bom chiến lược này từng được Lầu năm góc đưa tới Trung Ðông trong các thời điểm căng thẳng gia tăng ở khu vực, trong đó lần gần nhất là đầu năm 2020, sau khi Mỹ tiến hành vụ không kích tại I-rắc khiến Tướng Q.Xô-lây-ma-ni của I-ran chết. Việc Mỹ điều động phương tiện quân sự tới Trung Ðông gây lo ngại làm gia tăng căng thẳng Mỹ - I-ran, trong bối cảnh truyền thông phương Tây đưa tin Tổng thống Mỹ Ð.Trăm từng yêu cầu các trợ lý cấp cao cân nhắc các phương án tiến công cơ sở hạt nhân chính của I-ran, nhưng cuối cùng đã quyết định không thực hiện động thái này.
Trong bối cảnh căng thẳng liên quan chương trình hạt nhân của I-ran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì bất cứ động thái đơn phương nào đều có thể gây nguy hiểm. Cộng đồng quốc tế kêu gọi giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại, tránh để các động thái "ăn miếng trả miếng" có thể kích hoạt "thùng thuốc súng", đe dọa an ninh khu vực.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/no-luc-ha-nhiet-626457/