Nỗ lực hạn chế bồi thường Nhà nước trong thi hành án

Từ 2017 đến nay, tỉnh xảy ra 4 vụ bồi thường Nhà nước với tổng số tiền bồi thường hơn 1 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng đã chi trả xong 3 vụ, 1 vụ còn lại đang trong quá trình bồi thường.Theo báo cáo về kết quả triển khai công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn tỉnh, kể từ khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (TNBTCNN) có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đến nay, tỉnh có 4 vụ phải bồi thường thiệt hại cho các cá nhân. 3/4 vụ đã chi trả xong với số tiền bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng, trong số đó có một vụ bồi thường 1 tỷ đồng. Đó là vụ bà Huỳnh Thị Tú Anh, bị can trong vụ 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' được Công an TP.Phan Thiết ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự và đình chỉ bị can theo quy định tại khoản 2, Điều 164 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003. Sau đó bà có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và không chấp nhận cách giải quyết của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Phan Thiết nên đã làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh. Bà Anh thắng kiện buộc Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phải bồi thường. Tiếp nữa là vụ của bà Đường Thị Hòa có liên quan đến Ban Quản lý chợ Phan Thiết đang xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.Khi Luật TNBTCNN ra đời đi vào cuộc sống có những quy định chặt chẽ hơn, cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa án... có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp... Hơn nữa trình độ dân trí ngày càng cao, đòi hỏi người thi hành công vụ có trách nhiệm hơn với công việc. Trước thực tế ấy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan triển khai thực hiện tốt luật này, dự báo tình hình tránh để xảy ra án oan và phải bồi thường. Tuy nhiên, để làm được điều đó cũng cần phải nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ người thi hành công vụ. Các cơ quan tố tụng kiến nghị các bộ, ngành bố trí thêm nhân lực và đẩy mạnh công tác tập huấn, kỹ năng nghiệp vụ... mới làm tốt hơn nhiệm vụ, hạn chế thấp nhất án oan.

Nỗ lực hạn chế bồi thường Nhà nư

 Các cơ quan tố tụng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với đoàn kiểm tra.

Các cơ quan tố tụng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với đoàn kiểm tra.

Các vụ trên chủ yếu xảy ra trong 2 năm 2017, 2018, 4 vụ với số tiền không lớn nhưng ít nhiều đã làm thất thoát tiền của Nhà nước. Tại buổi làm việc giữa đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tư pháp về công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Bộ Tư pháp nhấn mạnh, với số tiền bồi thường này so với các tỉnh, thành khác thì không lớn, nhưng đó là tiền ngân sách nhà nước chứ không phải của cơ quan hay cá nhân người thi hành công vụ. Dù vậy ông đánh giá cao Bình Thuận trong thời gian qua đã nỗ lực hạn chế các vụ việc bồi thường.

Kể từ sau vụ án oan sai Huỳnh Văn Nén, Tòa án nhân dân tỉnh đã phải bồi thường cho ông hơn 10 tỷ đồng sau nhiều lần thương lượng. Có lẽ đây là vụ án mà ngành tố tụng tỉnh nhà cảm thấy “đau đớn” nhất trong lịch sử ngành. Tòa án nhân dân tỉnh đã phải xin lỗi ông Nén nói riêng và nhân dân trong tỉnh nói chung vì đã để xảy ra vụ việc. Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra, nhiều đại diện cơ quan tố tụng bày tỏ, xem đây là bài học, sẽ nỗ lực hơn trong khi làm nhiệm vụ, để không xảy ra án oan sai.

Ninh Chinh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/no-luc-han-che-boi-thuong-nha-nuoc-trong-thi-hanh-an-133580.html