Nỗ lực hành động vì khí hậu
Tuần qua, hàng triệu người trên khắp thế giới, đặc biệt là giới trẻ đã hưởng ứng Ngày toàn cầu hành động vì khí hậu năm nay (25-9) với nhiều hình thức khác nhau. Những nỗ lực kêu gọi bảo vệ môi trường, hành động vì khí hậu được nhấn mạnh trong bối cảnh lượng khí thải trên trái đất đang gia tăng trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát do các nước bắt đầu tái mở cửa nền kinh tế.
Lượng phát thải khí nhà kính đã tăng trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Ngày toàn cầu hành động vì khí hậu là sáng kiến của phong trào “Thứ sáu vì tương lai” - chiến dịch chống biến đổi khí hậu do nữ sinh người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng từ tháng 8-2018. Thông điệp của năm nay rất rõ ràng: “Khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại ở nhiều nơi trên thế giới, lượng khí thải toàn cầu đã gia tăng nhanh chóng. Đây không phải là lúc im lặng”.
Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, đại dịch Covid-19 không khiến cuộc khủng hoảng khí hậu tạm ngừng mà trái lại, mức khí thải nhà kính đã nhanh chóng tăng cao trở lại như trước khi đại dịch xảy ra. Thực trạng đáng báo động này cũng được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu tại phiên thảo luận bàn tròn cấp cao theo hình thức trực tuyến về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75.
Ông A.Guterres cảnh báo, thế giới đang nóng lên và khí thải nhà kính khiến nhân loại phải đối mặt ngày càng nhiều thảm họa, từ cháy rừng, bão lụt đến mất an ninh lương thực và suy thoái kinh tế.
Trước đó, việc các quốc gia trên thế giới áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã phần nào hạn chế hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày, từ đó làm chậm lại sự gia tăng của lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Tuy nhiên, đây chỉ là những tác động trong ngắn hạn. Các chuyên gia đã nhiều lần khẳng định, cần tách bạch cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và chống đại dịch Covid-19, bởi đây đều là những vấn đề rất nghiêm trọng, cần được ứng phó quyết liệt và phải bị đánh bại.
Theo ông A.Guterres, không nên đánh giá quá cao việc lượng khí thải đã giảm trong một vài tháng qua và việc giảm phát thải khí nhà kính tạm thời do sự bùng phát dịch Covid-19 không giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, trong cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008-2009, phát thải toàn cầu giảm 2%, sau đó lại tăng 5% sau khủng hoảng. Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol đánh giá, không có gì đáng ăn mừng khi khí thải giảm do khủng hoảng gây ra, bởi nếu không có các chính sách và biện pháp đúng đắn, sự sụt giảm này sẽ không bền vững.
Vào tháng 9-2019, ước tính khoảng 4 triệu người ở hơn 160 quốc gia trên thế giới đã tham gia vào các cuộc tuần hành trong Ngày toàn cầu hành động vì khí hậu, nhằm kêu gọi giới lãnh đạo có biện pháp khẩn trương và cụ thể để ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Năm nay, dưới tác động của dịch bệnh, chiến dịch quy mô lớn này đã được chuyển sang hình thức trực tuyến tại nhiều nơi, như chia sẻ thông điệp qua mạng xã hội, tuần hành trực tuyến, chụp ảnh với các khẩu hiệu, biểu ngữ...
Hành động vì khí hậu cũng là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015. Tại phiên thảo luận tuần qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi thúc đẩy nỗ lực toàn cầu để hiện thực hóa mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Không khó để nhận thấy tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với sự sống trên hành tinh, thông qua sức tàn phá khủng khiếp của những đám cháy rừng đang bùng phát dữ dội ở California (Mỹ), hay hàng loạt siêu bão đổ bộ vào nhiều quốc gia cùng vô số thảm họa khác. Thực trạng này đòi hỏi các chính phủ và người dân phải chung tay, quyết tâm hành động trước cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu này.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/979316/no-luc-hanh-dong-vi-khi-hau