Nỗ lực, hết mình vì nhân dân
Ròng rã gần 30 tiếng, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, công an cùng các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân vụ chìm tàu du lịch Vịnh Xanh QN-7105. Chẳng kịp thay bộ quân phục, những người lính ấy lại có mặt tại các địa phương, trên các vùng biển để giúp đỡ nhân dân ứng phó với bão số 3 (Wipha).
Trưa 21-7, đang chỉ huy bộ đội hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân đưa tàu, thuyền vào các khu vực để tránh trú bão số 3, Thượng tá Đỗ Văn Thà, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cảng Hòn Gai, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh (Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh) nhận được điện thoại từ bộ phận ứng trực trên biển thông báo tìm thấy một thi thể nạn nhân nữa trong vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh QN-7105. Lập tức anh Thà lên ca nô cơ động ra vị trí khu vực đảo Ti-tốp trên vịnh Hạ Long để chỉ huy bộ đội đưa nạn nhân vào bờ bàn giao cho gia đình và lực lượng chức năng.
Trước đó, chiều 19-7, sau khi xảy ra vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh QN-7105, tổ công tác do Thượng tá Đỗ Văn Thà chỉ huy là lực lượng cứu hộ đầu tiên tiếp cận vị trí con tàu bị nạn. Một kíp tàu, 3 kíp xuồng và hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cảng Hòn Gai đã vượt sóng to, gió lớn cứu được 7 hành khách, đưa vào bờ an toàn.
Anh Mai Xuân Hải (quê ở Bắc Ninh), Nguyễn Hồng Quân (quê ở Nghệ An) là hai nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn. Chia sẻ với chúng tôi, giọng các anh nghẹn lại vì xúc động. Sau khi phá được cửa kính, các anh may mắn bám vào chiếc ghế gỗ nhưng sóng lớn quần thảo khiến ai cũng kiệt sức. Đúng lúc “thập tử nhất sinh” thì may mắn được bộ đội ứng cứu.

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân đội tìm kiếm các nạn nhân trong vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh QN-7105.
Chiều 19-7, sau khi nhận nhiệm vụ, Trung tá Đinh Trung Giáp, Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng 2, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh (Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh) nhanh chóng chỉ huy bộ đội tiếp cận hiện trường vụ tai nạn để tìm kiếm cứu nạn. Hơn một ngày đêm liên tục, những người lính biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng tìm kiếm, đưa vào đất liền hàng chục thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng.
Vừa thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển, anh Giáp vừa chỉ huy đơn vị thành lập sở chỉ huy tiền phương và bảo đảm an toàn phục vụ lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Suốt từ khi nhận nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, Thượng tá Trần Thăng Long, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban chỉ huy Phòng thủ khu vực 4 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh) cùng bộ đội thực hiện nhiệm vụ từ chiều 19-7 đến rạng sáng ngày hôm sau. “Chuyến đầu tiên, xuồng chúng tôi chở 3 thi thể nạn nhân vào bờ. Trong điều kiện đêm tối, mưa to, gió lớn trong khi ca nô nhỏ nên anh em phải giữ chặt thi thể nạn nhân suốt quãng đường hàng chục ki-lô-mét. Giữa đêm khuya và nơi mênh mông sóng nước, nguy hiểm rình rập, nếu không có bản lĩnh thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Đưa được nạn nhân vào bờ là chúng tôi quên hết mệt nhọc, tiếp tục ra vị trí để tìm kiếm và tiếp nhận, vận chuyển thi thể nạn nhân vào bờ để gia đình họ vơi bớt nỗi đau".

Cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh (Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh) giúp nhân dân ứng phó bão số 3. Ảnh: HÒA ĐẢM
Thượng tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Đặc công 126 (Quân chủng Hải quân) chỉ huy các chiến sĩ đặc công không quản hiểm nguy lặn xuống biển sâu trong đêm tối để tìm kiếm nạn nhân; đồng thời tiến hành rà soát, khoanh vùng bị nạn để tránh bỏ sót nạn nhân...
Không chỉ Thượng tá Đỗ Văn Thà, Thượng tá Trần Thăng Long, Thượng tá Hoàng Văn Vĩnh... trực tiếp có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, chúng tôi chứng kiến hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân đội, Công an và lực lượng chức năng xả thân vì nhiệm vụ. Tối 19-7, bão số 3 đang trên đường đổ bộ vào Biển Đông, dự báo bão sẽ vào khu vực biển Quảng Ninh. Nếu không có sự xả thân của những người lính ấy thì những nạn nhân còn lại có lẽ sẽ mãi mãi nằm lại nơi biển xanh sâu thẳm.

Cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy phòng thủ khu vực 4, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh triển khai công tác chuẩn bị để ứng phó với bão số 3.
Chiều 20-7, khi đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân còn lại thì cán bộ, chiến sĩ nhận lệnh về đơn vị giúp nhân dân ứng phó với bão số 3. Bộ quân phục chưa kịp khô, Thượng tá Đỗ Văn Thà, Thượng tá Trần Thăng Long, Thượng tá Hoàng Văn Vĩnh lại cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị giúp nhân dân chằng chống nhà cửa; phối hợp với các lực lượng chức năng thông báo, kêu gọi hàng nghìn tàu, thuyền, hàng chục nghìn ngư dân đang hoạt động trên biển biết hướng đi của bão để vào nơi tránh trú hoặc di chuyển đến vùng an toàn...
Tính đến tối 21-7, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thông tin cho khoảng 8.000 tàu, thuyền và gần 20.000 ngư dân đang hoạt động trên biển tránh trú bão. Đồng thời, chỉ huy các đơn vị tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 3 theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão...
Liên quan đến vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh QN-7105, đến 19 giờ ngày 21-7, lực lượng cứu nạn đã cứu được 10 người và tìm thấy 36 thi thể nạn nhân. Hiện còn 3 người mất tích. Trong số 36 người thiệt mạng đã hoàn thành thủ tục khám nghiệm, xác định danh tính 31 người.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/no-luc-het-minh-vi-nhan-dan-837991