Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và phát triển

Cùng với nhiều chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Lâm Đồng có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) ở tất cả các loại hình, các lĩnh vực. Từ đó giúp các DN đáp ứng yêu cầu cao hơn của thị trường; năng động, sáng tạo, vượt qua thách thức; tích cực quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường và chủ động hội nhập quốc tế...

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2 lần mỗi năm, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2 lần mỗi năm, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bài 1: Nhiều thành tựu từ công tác hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều năm nay, Lâm Đồng liên tục tổ chức hội nghị đối thoại DN 2 lần/năm, với hàng trăm DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, xoay quanh các vấn đề DN quan tâm hoặc đang gặp vướng mắc, như: tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, cải cách thủ tục hành chính, nợ đọng xây dựng cơ bản, các chính sách ưu đãi của Trung ương và tỉnh; đồng thời làm rõ nguyên nhân, đưa ra hướng khắc phục và có lộ trình giải quyết cụ thể. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có các cơ chế, chính sách thuận lợi cho DN, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong xúc tiến đầu tư, kinh doanh phát triển ở địa phương; cùng đó tổ chức các phong trào thi đua, bình xét khen thưởng, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trong cộng đồng DN, HTX và doanh nhân...

Theo kết quả khảo sát của tỉnh, tính đến năm 2019, mức độ hài lòng của người dân, DN, nhà đầu tư đối với việc giải quyết thủ tục hành chính đạt 92,8%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện tích cực trong 5 năm qua và Lâm Đồng luôn được xếp hạng thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá và đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho DN đã được rút ngắn 20% so với thời gian quy định. Lâm Đồng đã xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh để khuyến khích, hỗ trợ người dân và DN tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến; có các clip giới thiệu, hướng dẫn người dân, DN khai thác, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ http://ittoday.lamdong.gov.vn và duy trì hoạt động đường dây nóng tại địa chỉ duongdaynong.lamdong.gov.vn trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Lâm Đồng.

Phục vụ công tác tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo..., UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đến năm 2020, phê duyệt Đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025; hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu nông sản “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, kết nối giao thương giữa DN tỉnh Lâm Đồng với DN các tỉnh, thành phố. Qua đó, 372 tổ chức, cá nhân đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu nông sản “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Tổ chức 2 lớp tập huấn quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, xây dựng và phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm gắn với nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ tiên tiến như công nghệ sản xuất giống, công nghệ tưới, các quy trình canh tác hiện đại, cơ giới hóa trong sản xuất và công nghệ sau thu hoạch được áp dụng phổ biến trong sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic.

Về chính sách hỗ trợ đối với HTX, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 400 HTX (tăng 23% so với cuối năm 2014); với hơn 61.370 thành viên và tổng số lao động thường xuyên trong khu vực kinh tế tập thể 10.807 lao động. Trong số HTX, hiện có 60 HTX hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất. Lâm Đồng hiện có 4 Liên hiệp HTX (tăng 100% so với cuối năm 2014), trong đó có 1 Liên hiệp HTX phi nông nghiệp và 3 Liên hiệp HTX nông nghiệp; tổng số thành viên của Liên hiệp HTX là 22 HTX thành viên (tăng 69% so với cuối năm 2014). Toàn tỉnh đang có 25 Quỹ tín dụng nhân dân (tăng 19% so với năm 2014), với tổng số khoảng 50.000 thành viên, gần 400 lao động làm việc thường xuyên (tăng 38% so với năm 2014)...

Trong giai đoạn 2016-2020, 9.768 lượt DN và hơn 179 ngàn lao động được hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO...; trong đó, đào tạo nhân lực phục vụ cộng đồng DN chiếm 57% tổng số lao động được đào tạo nghề của tỉnh. Hỗ trợ kinh phí trực tiếp từ ngân sách 1.670 triệu đồng để DN, HTX tự đào tạo nghề cho 2.400 lao động gắn với tuyển dụng; hỗ trợ thông qua chương trình khuyến công 284 đề án, tổng kinh phí 55.092 triệu đồng...

Giai đoạn 2016-2020, tại Lâm Đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 100 ngàn tỷ đồng, khu vực nhà nước chiếm hơn 23%, khu vực ngoài nhà nước chiếm hơn 74%, khu vực vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2%; giải quyết việc làm cho khoảng 29-30 ngàn lao động mỗi năm, có trên 600 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng từ 71,06% năm 2015 lên 75,8% năm 2019; khu vực DN đóng góp hơn 70% GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020...

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202104/no-luc-ho-tro-doanh-nghiep-hoi-nhap-va-phat-trien-3051965/