Nỗ lực hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát - Kỳ 1
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Cao Bằng lồng ghép, huy động nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa, giai đoạn 2021 - 2025 quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) trên địa bàn tỉnh.
Kỳ 1: Từ mô hình nhỏ, nhân thành điểm sáng
Hà Quảng là một trong những huyện tiêu biểu của tỉnh trong thực hiện Đề án hỗ trợ XNT, NDN cho hộ nghèo. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền huyện xác định việc XNT,NDN là chương trình, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác giảm nghèo. Thời gian qua, huyện tập trung tối đa các nguồn lực trong xã hội giúp đỡ các hộ hoàn cảnh khó khăn đảm bảo điều kiện về nhà ở.
Niềm vui trong căn nhà mới
Men theo con đường mòn nhỏ mấp mô, xung quanh là đồi núi của xóm Lũng Tu, xã Thượng Thôn, nhìn từ xa đã thấy nổi bật giữa sườn núi cao là căn nhà gỗ, mái lợp phi brô xi măng, rộng hơn 80 m2 của gia đình anh Ngô Văn Nó, dân tộc Mông. Anh Nó cho biết: Trước đây, 11 nhân khẩu gia đình tôi phải sống trong ngôi nhà cũ xiêu vẹo, cứ mưa bão là cả nhà lo lắm, vì nhà dột nát, ở nhà cũ gió to là bay mái nhà, cả nhà sợ lắm. Bây giờ ở nhà mới, mưa gió thấy yên tâm và không sợ. Từ đầu tháng 4/2022, gia đình anh Nó khởi công xây dựng nhà, được sự giúp đỡ ngày công lao động của cán bộ xã và bà con trong xóm, sau gần 2 tháng ngôi nhà được hoàn thiện. Tôi rất vui mừng và biết ơn sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước.
Cách nhà anh Ngô Văn Nó không xa, trong ngôi nhà mới hoàn thành, gia đình anh Lương Văn Định, xóm Lũng Hóng, xã Thượng Thôn vẫn chưa tin đó là ngôi nhà của gia đình. Là hộ nghèo bao năm nay, gia đình anh Định luôn sống trong căn nhà dột nát, mỗi khi mưa gió lại nơm nớp lo sợ nhà đổ. Anh Định xúc động chia sẻ: Gia đình tôi có 5 nhân khẩu, không có nhiều đất canh tác, tôi lại không có việc làm ổn định, chỉ trông chờ vào nông sản tự sản xuất, thu nhập ít ỏi không có khả năng cải thiện nhà ở. Từ Đề án XNT,NDN của tỉnh, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh em họ hàng, làng xóm, gia đình tôi đã có được ngôi nhà vững chắc với diện tích 60 m2. Bây giờ có nhà vững chắc để ở, không phải lo lắng mỗi khi mùa mưa, rét đến. Tôi rất mừng và sẽ chăm chỉ làm ăn để sớm thoát nghèo.
Nằm ở vùng núi cao, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, đời sống của bà con ở xã Thượng Thôn nói riêng, huyện Hà Quảng nói chung còn nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng tại Thượng Thôn, năm 2021, xã hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng hoàn thành xây mới 25 nhà, sửa chữa 4 nhà, lắp ghép 7 nhà. Năm 2022 có 41 hộ thuộc diện hỗ trợ, trong đó 19 nhà làm mới, 22 nhà sửa chữa. Năm 2023, hỗ trợ trên 700 triệu đồng hoàn thành xây mới 6 nhà, sửa chữa 12 nhà, xã hội hóa 2 nhà. Năm 2024, xã được phân bổ 4 tỷ đồng hỗ trợ 110 hộ, trong đó 50 hộ xây mới, 60 hộ sửa chữa nhà ở.
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn Đàm Mai Hoa chia sẻ: Việc thực hiện chương trình XNT,NDN gặp không ít khó khăn như: Đường đi đến các hộ gia đình không thuận tiện, việc vận chuyển vật liệu như xi măng, cát, đá rất khó khăn. Bởi vậy trong quá trình thực hiện, xã tập trung tuyên truyền, vận động bà con thực hiện xây mới hoặc sửa chữa nhà ở. Các hộ đã có kế hoạch và có địa chỉ từng hộ cụ thể, cán bộ phụ trách xóm tiếp tục hướng dẫn các hộ thực hiện theo tiêu chí “3 cứng”. Với những hộ đường đi lại khó khăn, xã tuyên truyền, vận động bà con, các hội đoàn thể vào cuộc giúp vận chuyển vật liệu để các hộ thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở.
Điểm sáng trong thực hiện đề án
Hà Quảng hiện có 4.539 hộ nghèo, chiếm 32,87%, 1.985 hộ cận nghèo, chiếm 14,38%. Những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt Đề án hỗ trợ XNT,NDN. Năm 2024, huyện có 1.134 hộ thuộc diện hỗ trợ XNT, NDN, trong đó, hỗ trợ 44 tỷ 64 triệu đồng xây mới 746 nhà, sửa chữa 388 nhà đạt tiêu chí “3 cứng”. Với nhiều cách làm chủ động, linh hoạt, huyện tập trung thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ XNT,NDN và trở thành điểm sáng trong triển khai đề án.
Từ cuối năm 2020 đến tháng 4/2021, từ 35 tỷ đồng hỗ trợ của Bộ Công an và UBND Thành phố Hà Nội, tỉnh chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 884 hộ nghèo trên địa bàn huyện, trong đó, hỗ trợ làm mới 95 nhà tôn lắp ghép, mức hỗ trợ 55 triệu đồng/nhà; sửa chữa 179 nhà, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/nhà; làm mới 610 nhà, mức hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương, nâng cao uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp, gia tăng niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tối đa các nguồn lực trong xã hội giúp đỡ các hộ hoàn cảnh khó khăn đảm bảo điều kiện về nhà ở với phương châm “công khai, minh bạch, rõ ràng”; rà soát tình hình nhà ở của hộ nghèo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của bà con; kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho các hộ hoàn cảnh khó khăn, trong đó ưu tiên tập trung thực hiện các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới; chú trọng phối hợp giữa các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể để thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hộ nghèo hoàn thiện được ngôi nhà có quy mô, chất lượng, đảm bảo lâu dài. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân; vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, tích lũy để xây dựng nhà ở, từng bước tự xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát, ổn định cuộc sống lâu dài, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức rà soát tình hình nhà ở của hộ nghèo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của bà con. Từ năm 2021 đến nay, huyện hỗ trợ 1.500 hộ nghèo, gia đình chính sách xây mới, sửa chữa nhà đạt tiêu chí “3 cứng”. Sau khi hoàn thành nhà ở có diện tích từ 40 - 120 m2 đảm bảo “3 cứng”; giá trị nhà ở sau khi hoàn thành từ 50 - 150 triệu đồng/nhà, đáp ứng tiêu chí nhà ở nông thôn mới, từ đó, giúp người dân có được những căn nhà khang trang, an toàn, ấm cúng hơn trong mùa mưa bão, mùa đông. Từ điểm sáng này, chương trình được nhân rộng trên toàn tỉnh.
Từ những kết quả hỗ trợ thực hiện XNT,NDN của huyện Hà Quảng nói riêng và tỉnh nói chung, trong chuyến công tác và làm việc với lãnh đạo tỉnh ngày 15/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý lựa chọn Cao Bằng để thí điểm chỉ đạo thực hiện XNT,NDN cho gia đình chính sách, hộ nghèo, nhất là tại các huyện nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Để đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 270-QĐ/TU ngày 17/5/2021 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ XNT,NDN trên địa bàn tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện chương trình đồng bộ và hiệu quả.
Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo xác định công tác thông tin, tuyên truyền, vận động rất quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi của chương trình. Ban Chỉ đạo chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng, gửi tài liệu tuyên truyền chương trình hỗ trợ XNT,NDN trên địa bàn tỉnh đến các cơ quan báo chí, huyện, Thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên toàn tỉnh. Các cơ quan báo chí thường xuyên tuyên truyền về chương trình theo định hướng, chú trọng mở chuyên mục mới và đăng tải tin, bài tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa nhân văn của chương trình; sự tham gia tích cực của các nhà hảo tâm, cộng đồng, dòng họ trong việc ủng hộ, hỗ trợ các hộ có thêm nguồn lực để XNT,NDN.