Nỗ lực hồi sinh giải pháp hòa bình tại Trung Đông

Ai Cập, Đức, Pháp và Jordan đã khởi động một nỗ lực mới trong tuần qua nhằm khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Ngoại trưởng của bốn quốc gia đã gặp nhau tại Thủ đô Cairo của Ai Cập và đưa ra lời kêu gọi các bước thiết thực để khởi động các cuộc đàm phán đáng tin cậy.

Từ trái sang phải, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trong cuộc họp tại Thủ đô Cairo, Ai Cập ngày 11-1. Ảnh: AFP

Từ trái sang phải, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trong cuộc họp tại Thủ đô Cairo, Ai Cập ngày 11-1. Ảnh: AFP

Người Palestine đã phải chịu nhiều thất bại

Một trong những điểm mấu chốt tại cuộc gặp của các Ngoại trưởng là việc nhấn mạnh Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine, trong khi thành phố này hiện đang trên danh nghĩa là thủ đô của Israel. Đây cũng chính là một trong những tranh chấp gay gắt nhất của Israel và Palestine trong nhiều thập kỷ.

Jerusalem từ xa xưa là một thành phố linh thiêng, gắn liền trong gốc tích tín ngưỡng của người Hồi giáo và Do Thái. Tranh chấp bùng nổ kể từ cuộc chiến tranh giữa liên quân Arab và Israel chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 6 ngày đầu tháng 6-1967. Israel đã nhanh chóng chiến thắng nhờ ưu thế tấn công chủ động vượt trội và giành được quyền kiểm soát hàng loạt khu vực chiến lược, trong đó có Đông Jerusalem. Đối với người Palestine, đa số thành viên Liên hợp quốc công nhận Nhà nước Palestine là một quốc gia có chủ quyền về pháp lý và người Palestine luôn coi Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của họ trong tương lai.

Trong hơn ba thập kỷ, người Palestine đã tìm kiếm một nhà nước độc lập ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem, những vùng lãnh thổ bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến năm 1967. Theo giới quan sát khu vực, kể từ khi ông Benjamin Netanyahu đắc cử Thủ tướng Israel vào năm 2009 đến nay, không có cuộc đàm phán hòa bình thực chất nào giữa Israel và Palestine xuyên suốt hơn một thập kỷ và hai bên vẫn duy trì sự chia rẽ gay gắt về các vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột.

Phân tích về bức tranh quan hệ Israel - Palestine những năm gần đây, giới quan sát khu vực đánh giá, các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel cũng đã đình trệ từ năm 2014. Tiếp đó, người Palestine đã phải chịu nhiều thất bại dưới thời chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn luôn coi Israel là một đồng minh thân cận của mình.

Dưới thời ông Trump, Mỹ và Israel đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv, Israel đến Jerusalem như một động thái khẳng định rõ nét chủ quyền của Israel đối với “đất thánh”. Cùng với đó, Mỹ cũng cắt giảm hỗ trợ tài chính cho người Palestine và đảo ngược hướng đi đối với các khu định cư bất hợp pháp của Israel trên đất mà người Palestine tuyên bố chủ quyền.

Lâu nay, cộng đồng quốc tế mà dẫn đầu là Liên hợp quốc luôn thể hiện sự đồng thuận lên án các hành động của Israel, nổi cộm nhất là việc xây dựng các khu định cư của Israel trên lãnh thổ của Palestine và coi đây là yếu tố cản trở cho giải pháp hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột dai dẳng. Một trong số đó là giải pháp hai nhà nước - giải pháp quan trọng nhất và duy nhất để chấm dứt xung đột Israel - Palestine.

Trong tuần qua, Thủ tướng Israel Netanyahu tiếp tục phê duyệt xây dựng thêm 800 ngôi nhà khác dành cho người định cư Do Thái ở Bờ Tây bị chiếm đóng. Dư luận đánh giá động thái này được thực hiện dường như là một nỗ lực tận dụng những ngày cuối cùng được Tổng thống Mỹ Donald Trump “chống lưng” nhằm đặt ra bản kế hoạch chi tiết “giấy trắng mực đen” trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden nhậm chức. Ông Biden vốn luôn chỉ trích các chính sách của Israel, nhất là với sự hậu thuẫn của ông Trump.

Hồi sinh một nỗ lực mới

Trong cuộc gặp mới đây, Ngoại trưởng bốn quốc gia Ai Cập, Đức, Pháp và Jordan đã kêu gọi các bước thiết thực để khởi động các cuộc đàm phán đáng tin cậy hướng tới việc đạt được một nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô của họ trên lãnh thổ mà Israel chiếm đóng từ năm 1967. Các Ngoại trưởng cho biết sẽ sẵn sàng làm việc với Mỹ để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán dẫn đến một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài trong khu vực.

Một góc Thánh địa Jerusalem với nhà thờ Chúa Cứu thế. Ảnh: Igoogled Israel

Một góc Thánh địa Jerusalem với nhà thờ Chúa Cứu thế. Ảnh: Igoogled Israel

Theo Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, bốn nước sẵn sàng quan hệ chặt chẽ với chính quyền mới của Mỹ trong việc phục hồi tiến trình hòa bình cấp thiết. Ông Le Drian kêu gọi Israel và Palestine khởi động và công bố cam kết của hai bên về một giải pháp cho cuộc xung đột, cũng như kiềm chế thực hiện các biện pháp đơn phương. Nỗ lực xác định những cam kết này sẽ thực hiện theo phương pháp tiếp cận từng bước nhỏ để có thể tạo bầu không khí đáng tin cậy cần thiết giữa các bên.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas chia sẻ: “Chúng tôi vẫn tin tưởng chắc chắn rằng một giải pháp hai nhà nước là cơ sở tốt nhất cho hòa bình ở Trung Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để duy trì khả năng này, cho đến khi Israel và Palestine quay trở lại đàm phán trực tiếp”. Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi khẳng định, bốn nước sẽ ngăn chặn mọi hành động làm leo thang căng thẳng hoặc gây tổn hại cho giải pháp hai nhà nước. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shukry khẳng định, việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập không nên đe dọa an ninh của Israel. Đồng thời nhấn mạnh, sự tồn tại của một quốc gia Palestine độc lập và nước láng giềng Israel an ninh là sự đảm bảo cho hòa bình, ổn định tại khu vực.

Nhân cuộc gặp này, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi đã gặp các Ngoại trưởng và khẳng định rằng, một hành động cho chính nghĩa của người Palestine sẽ thay đổi thực tế và điều kiện của toàn bộ khu vực theo chiều hướng tốt đẹp hơn, thông qua việc hợp tác khu vực giữa các chính phủ và các dân tộc. Ông Sissi cho biết, các nỗ lực hòa bình của bốn nước là nhằm phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Đồng thời bày tỏ quan ngại về những thay đổi chính trị ở quốc tế và khu vực, ám chỉ sự thay đổi chính quyền Mỹ và việc Israel và bốn nước Arab bình thường hóa quan hệ trong những tháng qua.

Theo đánh giá của giới quan sát khu vực, những hành động giải quyết căng thẳng Israel - Palestine đã bế tắc trong nhiều năm gần đây và dường như không cho thấy những triển vọng đáng kể. Vì vậy, sự vào cuộc của Ai Cập, Đức, Pháp và Jordan mới đây cho thấy một quyết tâm mới từ cộng đồng quốc tế ở cả trong và ngoài khu vực. Điều này tạo nên kỳ vọng “hồi sinh” một nỗ lực mới mang tới niềm vui cho người Palestine nói riêng và hòa bình thực chất ở Trung Đông nói chung.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/no-luc-hoi-sinh-giai-phap-hoa-binh-tai-trung-dong-post436627.html