Nỗ lực hơn nữa thực hiện đầu tư công

Thời gian qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chưa đạt kế hoạch đề ra. Nhằm hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư phải nỗ lực hơn nữa trong thực hiện đầu tư công.

Nhiều đơn vị chưa giải ngân vốn

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cho tỉnh hơn 3.569 tỷ đồng và gần 203 tỷ đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn gần 3.520 tỷ đồng; số vốn chưa phân bổ gần 203 tỷ đồng; số vốn chưa phân bổ đề nghị điều chuyển về ngân sách Trung ương là 49,46 tỷ đồng do không còn nhu cầu sử dụng. Đến ngày 31-7, so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 30,4%; so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế, tỷ lệ giải ngân đạt 32,5%.

 Thi công kè hạ lưu sông Hiền Lương (huyện Vạn Ninh).

Thi công kè hạ lưu sông Hiền Lương (huyện Vạn Ninh).

So với các địa phương trong cả nước, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh khá thấp. Đáng lưu ý, có tới 22 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn thấp hơn mức giải ngân bình quân chung toàn tỉnh, trong đó có 14 đơn vị chưa giải ngân được, gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Công Thương; Công an tỉnh; Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa; Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà; Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa; Sở Văn hóa và Thể thao; Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng; Hội Nông dân tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa; Sở Giáo dục và Đào tạo; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; huyện Trường Sa; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Cả tỉnh chỉ có 19 đơn vị giải ngân kế hoạch vốn cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung toàn tỉnh, trong đó Liên đoàn Lao động tỉnh là đơn vị có tỷ lệ cao nhất, đạt 75,6%.

Theo ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân 6 tháng năm 2022 thấp do liên quan đến một số dự án có số vốn lớn trên địa bàn huyện Cam Lâm đang phải ngừng triển khai để rà soát lại quy hoạch, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Các dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn khác cũng gặp khó khăn do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư còn chậm. Mặc dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng của các dự án, song công tác kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt đơn giá, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án vẫn còn chậm, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư đang tập trung giải ngân nguồn vốn thực hiện từ năm 2021 chuyển sang năm 2022 nên kéo tỷ lệ giải ngân năm 2022 đạt thấp.

Phấn đấu đứng tốp 10 cả nước

Để hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến cuối năm hoàn thành kế hoạch được giao; lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 của người đứng đầu và tập thể, cá nhân có liên quan. Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư rà soát, đánh giá tiến độ triển khai thực tế và khả năng giải ngân kế hoạch vốn của dự án để lập cam kết giải ngân 9 tháng và cả năm 2022, trong đó phấn đấu tỷ lệ giải ngân 9 tháng đạt tối thiểu 65% và tỷ lệ giải ngân cả năm đạt từ 95 đến 100%. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trường hợp chủ đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời để UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Ông Châu Ngô Anh Nhân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư có dự án được giao kế hoạch vốn lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và hướng xử lý, đồng thời xây dựng phương án triển khai dự án từng quý theo cam kết giải ngân; định kỳ phải báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, bao gồm đánh giá năng lực chủ đầu tư để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo xử lý. Đối với các dự án vướng mắc về công tác bồi thường giải tỏa và quy hoạch, sở kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở quản lý chuyên ngành, các địa phương nơi thực hiện dự án và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết và định kỳ báo cáo tình hình thực hiện, kết quả xử lý”.

Tại hội nghị nghe báo cáo tình hình thực hiện tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng năm 2022 mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các chủ đầu tư phải nỗ lực hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công. Từ năm 2023 sẽ có nguồn vốn rất lớn từ cơ chế đặc thù, vì vậy ngay từ năm nay, các sở, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công; với những vướng mắc vượt thẩm quyền cần báo cáo ngay để tỉnh có hướng giải quyết. Tất cả công trình giáo dục phải sớm hoàn thành để phục vụ cho năm học mới; các công trình y tế sớm hoàn thành vào cuối năm. Đối với các dự án tại Cam Lâm, ngoài những công trình vướng quy hoạch, các dự án còn lại vẫn tiếp tục hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trước khi mùa mưa bão tới. Đối với đơn vị thi công chậm hoặc cố tình chây ì thì các dự án khác sẽ xem xét không đưa vào tham gia đấu thầu. Năm 2021, Khánh Hòa nằm trong tốp các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước, vì vậy năm 2022, tỉnh cũng phấn đấu nằm trong tốp 10 đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.

NHẬT MINH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202208/no-luc-hon-nua-thuc-hien-dau-tu-cong-8260026/