Nỗ lực hướng tới một nền giáo dục chất lượng, công bằng

Đây là thông điệp được đưa ra tại Hội thảo quốc tế 'Hướng tới một nền giáo dục có chất lượng dưới góc nhìn từ lập kế hoạch chiến lược giáo dục và đảm bảo công bằng trong giáo dục' do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 14/3.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường đã qua, Việt Nam có thể tự hào về các thành tựu đạt được. Về công bằng và chất lượng giáo dục, Việt Nam đều thành công so với các quốc gia khác với cùng mức thu nhập.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng chia sẻ 5 “cột mốc” giáo dục Việt Nam đạt được gồm: Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; ban hành và tổ chức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 chuyển nặng từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn;đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng... Bên cạnh đó, trong dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, yếu tố công bằng giáo dục luôn được nhấn mạnh, góp phần thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về một nền giáo dục công bằng cho tất cả mọi người và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tuy vậy, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức gặp phải trong thực thi các chính sách công bằng trong giáo dục, như: Việc tiếp cận chất lượng giáo dục tốt của trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa; những trẻ em không được hỗ trợ từ gia đình và nhà trường cũng dễ trở thành nạn nhân “bị bỏ lại phía sau” trong một môi trường sống đầy biến động.

Theo Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker, công bằng và hòa nhập là những trụ cột quan trọng trong các hoạt động hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về Chuyển đổi giáo dục, được Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, triệu tập vào tháng 9/2022.

Với sự hỗ trợ tài chính từ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục (GPE), UNESCO Việt Nam đã phối hợp với Bộ GD&ĐT và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cùng đội ngũ chuyên gia của Viện Quy hoạch Giáo dục Quốc tế (IIEP) của UNESCO cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp xây dựng Chiến lược Phát triển Giáo dục đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 của Việt Nam. Chiến lược này đặt công bằng, hòa nhập là các trụ cột xuyên suốt ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo, cả trong giáo dục chính quy lẫn không chính quy.

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Ông Jonathan Baker cũng cho rằng, thúc đẩy sự công bằng và hòa nhập trong giáo dục đòi hỏi phải loại bỏ tất cả các hình thức loại trừ, sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận, tham gia cũng như trong kết quả học tập. Điều này đòi hỏi phải có những thay đổi cần thiết, táo bạo trong chính sách giáo dục và tập trung nỗ lực vào những đối tượng thiệt thòi nhất để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Liên quan đến khía cạnh bình đẳng giới, theo ông Jonathan Baker, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục bình đẳng cho cả trẻ em trai, trẻ em gái, giữa nam và nữ, nhưng vẫn còn cần phải giải quyết các nguyên nhân sâu xa của bất bình đẳng và các thành kiến giới. Các hoạt động phối hợp giữa UNESCO và Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương có nhiều trẻ em gái dân tộc thiểu số ở nông thôn cho thấy cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để đảm bảo các em không gặp phải rào cản trong việc duy trì việc học tập cũng như thụ hưởng các cơ hội học tập.

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: Giáo dục cần chuyển đổi nhanh chóng để theo đuổi tốc độ thay đổi của thế giới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học, trong đó có cả những nhóm người yếu thế, người khuyết tật. Vì vậy, cần có những kế hoạch hành động cho tương lai, dù đây không phải điều dễ dàng. Những ý kiến trong Hội thảo có ý nghĩa rất lớn, góp phần thiết thực cho việc hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

H. Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/no-luc-huong-toi-mot-nen-giao-duc-chat-luong-cong-bang-i725323/