Nỗ lực hướng tới một Việt Nam không còn đói nghèo

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam trở thành một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đây không phải là kết thúc cho hành trình giảm nghèo bền vững, và chặng đường đến đích 'một Việt Nam không còn đói nghèo' sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 cần tập trung giải quyết một số thách thức, hướng tới mục tiêu Việt Nam không còn đói nghèo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 cần tập trung giải quyết một số thách thức, hướng tới mục tiêu Việt Nam không còn đói nghèo. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhiều thách thức cấp bách

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 cần tập trung giải quyết một số thách thức.

Trước hết, tiếp tục giải quyết các vấn đề mà Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 chưa thực hiện xong. Cụ thể là nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Các địa phương này là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng còn khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Trong khi đó, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, có sinh kế, thu nhập không bền vững, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận và cạnh tranh trên thị trường lao động, việc làm.

Mặt khác, hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, nhà ở, giảm nghèo về thông tin, cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Ngoài ra, nhiều công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn nghèo có quy mô nhỏ nên hiệu quả sử dụng, tác động đến đời sống dân sinh, phục vụ sản xuất còn hạn chế.

Song song với đó, Việt Nam cũng đang đứng trước một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội mới, cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia.

Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ.

Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 10,83%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,77%. Do vậy, để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đòi hỏi phải có nguồn lực lớn để tập trung giải quyết.

Hiện nay, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, xu hướng già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng nghề, tìm kiếm việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập.

Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân".

Thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có các mục tiêu: “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội”.

Với những mục tiêu to lớn đã đề ra, hành trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sẽ còn gian nan, thử thách hơn nữa, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc và sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam tạo được bước nhảy vọt, tạo sự bứt phá khi nỗ lực giảm nghèo trên thế giới đang bị chững lại bởi đại dịch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp của Chính phủ ngày 11/8. (Nguồn: VGP)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp của Chính phủ ngày 11/8. (Nguồn: VGP)

Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần

Trong phát biểu quan trọng tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Theo Tổng Bí thư, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Với tinh thần đó, Việt Nam xác định rõ những mục tiêu chính trong công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Một là, đầu tư cho công tác giảm nghèo là đầu tư cho phát triển nhằm hỗ trợ người nghèo thoát nghèo, xây dựng cuộc sống khá giả; địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, xây dựng tiêu chí nông thôn mới; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm, nhất là nâng cao thu nhập và bảo đảm các chiều dịch vụ xã hội cơ bản (về việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, thông tin) để tiến tới xóa bỏ nghèo đói cho mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều.

Ba là, đổi mới chính sách giảm nghèo, khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và phát huy sức mạnh toàn diện của cả hệ thống chính trị trong công cuộc giảm nghèo trong điều kiện mới.

Bốn là, sớm hoàn thành cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo đến năm 2030.

"Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn." (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)

Nhiệm vụ trọng tâm

Để tiếp tục phát huy các thành tựu và khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đặc biệt chú trọng vào 7 nội dung sau.

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc Việt Nam đối với người nghèo.

Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Tích cực tuyên truyền về công tác giảm nghèo, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.

Thứ hai, đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động.

Đồng thời, cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Chăn nuôi bò ba bê của một hợp tác xã ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Nguồn: TTXVN)

Chăn nuôi bò ba bê của một hợp tác xã ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. (Nguồn: TTXVN)

Cùng với đó, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng.

Các địa phương cần quan tâm giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững.

Trong đó, ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo; tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn.

Thứ sáu, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Cụ thể là kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều phối về giảm nghèo các cấp theo hướng tập trung, thống nhất đầu mối quản lý;

Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện công tác giảm nghèo; có chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, nhiệt tình về công tác tại vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng cơ sở dữ liệu về giảm nghèo, tăng cường cung cấp thông tin, giúp người nghèo kết nối với thị trường lao động, thị trường hàng hóa...; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi tiêu biểu.

Thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo để xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững.

Thứ bảy, mở rộng hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong công cuộc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/no-luc-huong-toi-mot-viet-nam-khong-con-doi-ngheo-161817.html