Nỗ lực hướng tới mục tiêu 'An toàn cho phụ nữ và trẻ em'

Trước tình hình phụ nữ và trẻ em đang đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn, vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, mua bán người, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tín dụng đen... Các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã có nhiều giải pháp, cách làm thiết thực nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2019 về 'An toàn cho phụ nữ và trẻ em' do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng tốt đẹp hơn cho phụ nữ, trẻ em.

 Hội LHPN tỉnh phối hợp với tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam tại Quảng Trị tổ chức Hội trại “Giáo dục nhận thức về bom mìn” tại Trường THCS Tân Liên (Hướng Hóa). Ảnh: Thanh Thúy

Hội LHPN tỉnh phối hợp với tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam tại Quảng Trị tổ chức Hội trại “Giáo dục nhận thức về bom mìn” tại Trường THCS Tân Liên (Hướng Hóa). Ảnh: Thanh Thúy

Trong nhiều vấn đề về an toàn, các cấp hội đã chủ động lựa chọn phạm vi và đối tượng triển khai chủ đề năm phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị. Cấp tỉnh đã chọn vấn đề chính “An toàn trong gia đình” và “An toàn thực phẩm” để triển khai thực hiện, với 7 nhóm nội dung, giải pháp: (1) Tổ chức các hoạt động truyền thông (2) Xây dựng mô hình về an toàn cho phụ nữ và trẻ em, (3) Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ hội; Cung cấp kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em, (4) Hoạt động giám sát, phản biện, (5) Tiếp tục thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm theo nội dung chương trình phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với Hội Nông dân và Hội LHPN tỉnh về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2018 - 2020, (6) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, duy trì các hoạt động khuyến học khuyến tài, an sinh xã hội, xây dựng mái ấm tình thương, xây dựng xã, thôn biên giới an toàn cho phụ nữ trẻ em, (7) Đẩy mạnh phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong từng đối tượng, từng lĩnh vực; trong đó 7 đơn vị cấp huyện đồng bằng chọn an toàn trong gia đình, an toàn trong phòng chống xâm hại trẻ em, 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông chọn an toàn trong phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Để chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” có sức lan tỏa rộng khắp, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền và cung cấp kiến thức, kỹ năng an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Với chuỗi hoạt động tuyên truyền lan tỏa trong cộng đồng như: Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội về kiến thức kỹ năng năm an toàn, vận hành xây dựng một số mô hình năm an toàn, kỹ năng giải quyết vụ việc bạo lực xâm hại phụ nữ, trẻ em; thông qua hội thảo, tập huấn nghiệp vụ, chuyên đề cho cán bộ hội cơ sở. Tổ chức chiến dịch truyền thông “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại 5 xã thuộc chương trình đồng hành với phụ nữ biên cương; đợt sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống ma túy tại 100 % chi hội trên toàn tỉnh. Tổ chức hội thi, truyền thông về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông; tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của người phụ nữ trong gia đình, phòng, chống bạo lực học đường, diễn đàn “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Tổ chức hội thi, giao lưu sáng kiến truyền thông về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông...

Các cấp hội đã cụ thể hóa chủ đề năm gắn với thực hiện chỉ tiêu thi đua “Mỗi cơ sở hội có ít nhất một mô hình/hoạt động thực hiện chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực, chung sức huy động nguồn lực tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở; 100% cơ sở hội xây dựng mới, duy trì vận hành mô hình tương đồng đưa nội dung giáo dục, truyền thông năm an toàn vào sinh hoạt định kỳ và tổ chức các hoạt động năm an toàn có hiệu quả. Hội tập trung nhân rộng, xây dựng, duy trì gần 300 CLB, mô hình thu hút sự tham gia của hơn 10.000 thành viên như: “Chi hội phụ nữ nói không với ma túy”, CLB an toàn: “Bà mẹ và trẻ em gái phòng chống xâm hại tình dục”, “Nhóm cha mẹ”, “Tiết kiệm xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn”; “Uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông” , CLB trẻ em gái, “Chi hội phụ nữ tuyên truyền an toàn thực phẩm”, “Phụ nữ nói không với đưa người đi lao động nước ngoài trái phép”; “Giáo dục hành động an toàn giao thông”, “Chi hội phụ nữ nói không với ma túy”… Bên cạnh đó các cấp hội cũng đã tập trung triển khai các hoạt động giám sát Luật Phòng chống bạo lực gia đình, 14 sáng kiến giám sát cộng đồng…

Để góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe phụ nữ, trẻ em và cộng đồng trước vấn nạn thực phẩm bẩn, mỗi huyện, thị xã, thành phố nhân rộng từ 2-3 mô hình sản xuất, chế biến, tiêu dùng lương thực, thực phẩm an toàn. Với sự nỗ lực cao, các cấp Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền vận động gần 10.000 hộ ký cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng thực phẩm an toàn; xây dựng hơn 20 mô hình sản xuất chế biến, tiêu dùng lương thực, thực phẩm an toàn.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ, nâng cao kiến thức kỹ năng về an toàn cho phụ nữ trẻ em, các cấp hội trong tỉnh đã có những hoạt động thiết thực, thăm hỏi động viên, tư vấn, hỗ trợ kịp thời phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục... Góp tiếng nói đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý giải quyết các vụ việc; tiếp nhận, xử lý đơn thư của hội viên phụ nữ phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cũng như khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.

Từ sự vào cuộc của các cấp hội, việc thực hiện chủ đề năm 2019 - năm an toàn cho phụ nữ trẻ em đã mang lại kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra những vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em, tình trạng tảo hôn, tai nạn giao thông, ma túy... vẫn diễn ra cần sự nỗ lực vào cuộc của các cấp hội, sự phối hợp chung tay của các cấp, ngành và chính bản thân mỗi phụ nữ trong gia đình để xây dựng một môi trường an toàn cho phụ nữ trẻ em. Năm 2020, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tiếp tục lựa chọn chủ đề năm là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với trọng tâm ưu tiên thực hiện thống nhất trong hệ thống hội về phòng, chống xâm hại trẻ em. Để thực hiện có hiệu quả nội dung này, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xác định phải tập trung vào các nội dung chính sau:

Một là chủ động phối hợp với các ngành chức năng để thực hiện có chất lượng quyền và trách nhiệm của các cấp hội trong việc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, như: Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp số 06/CTPH -HLHPN- CA - VKSND - TAND giữa Hội LHPN tỉnh, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân và Viện KSND tỉnh trong thực hiện công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2020 - 2022; tích cực tham gia các hoạt động kiểm tra, giám sát do các ngành, đoàn thể triển khai liên quan đến phụ nữ và trẻ em; làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý và tâm lý cho trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại; phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa bảo vệ trẻ em, chú trọng hỗ trợ đối tượng trẻ em đặc thù.

Hai là chú trọng đầu tư truyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên phụ nữ về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Hội LHPN các cấp về tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em. Chủ động tổ chức các sự kiện truyền thông tọa đàm, giao lưu chia sẻ, tập huấn, hội thi, nói chuyện chuyên đề về các nội dung phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vai trò của cha mẹ và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chú trọng hỗ trợ kiến thức an toàn cho đối tượng trẻ em đặc thù. Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan thông qua băng rôn, khẩu hiệu, pa nô ...

Ba là nghiên cứu xây dựng các “Mô hình an toàn cho trẻ em” phù hợp với địa phương. Tổ chức diễn đàn, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm các mô hình an toàn cho trẻ em; phối hợp với tổ chức Plan nhân rộng mô hình “Nhóm cha mẹ” ở các huyện, thị xã, thành phố ngoài vùng dự án; nghiên cứu xây dựng mô hình an toàn mới: “An toàn đường đến trường”, “Thắp sáng đường quê”, “Thôn bản an toàn” cho phụ nữ trẻ em.

Bốn là triển khai có hiệu quả “Đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV và kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam”. Các cấp hội lựa chọn nội dung và hành động thiết thực phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương với chủ đề “90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”, trọng tâm ưu tiên là các hành động hưởng ứng theo chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” một cách thiết thực hiệu quả.

Nguyễn Thị Quế Phượng

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=146612