Nỗ lực kéo giảm buôn lậu xăng dầu trên vùng biển phía Nam
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều tàu thuyền 'cải hoán như tàu đánh cá' nhưng lại dùng cho việc vận chuyển xăng dầu lậu đã bị các đơn vị BĐBP cũng như các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên tiếp bắt giữ các vụ vận chuyển xăng dầu lậu
Vào khoảng 21 giờ, ngày 20/6/2023, trong lúc tuần tra trên vùng biển Tây Nam, Biên đội B23, Hải đoàn Biên phòng 28 phát hiện tàu cá BT92009TS do ông Lê Hoàng Thi (sinh năm 1985, trú tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng, có dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Tại thời điểm đó, tàu cá BT92009TS chở khoảng 40.000 lít dầu DO. Thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số dầu trên. Hải đoàn Biên phòng 28 đã tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, vào lúc 17 giờ 30 phút, ngày 16/6/2023, Hải đoàn Biên phòng 28 cũng đã phát hiện, tạm giữ tàu cá KG94431TS do ông Ngô Văn Vĩnh (sinh năm 1966, trú tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng, vận chuyển khoảng 22.000 lít dầu DO. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số dầu trên.
Cũng trên vùng biển cách Tây Nam đảo Hòn Chuối (Cà Mau) khoảng 32 hải lý, vào ngày 1/4/2023, Hải đoàn Biên phòng 28 phát hiện tàu KG93835TS do ông Hồ Văn Sỹ (sinh năm 1979, ngụ tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng, trên tàu còn có 3 thuyền viên, vận chuyển 25.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ...
Theo Đại tá Đậu Thanh Thủy, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Biên phòng 28, đối tượng buôn bán, vận chuyển xăng dầu lậu trên biển ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng thường lợi dụng lúc trời tối, vào các ngày lễ, ngày nghỉ để thực hiện việc mua bán, sang mạn. Để bắt quả tang, cán bộ các cơ quan chức năng phải có bề dày kinh nghiệm và đầu tư nhiều công sức để theo dõi, mật phục. Với nhiều nỗ lực, từ đầu năm 2023 đến nay, Hải đoàn Biên phòng 28 đã phát hiện, tạm giữ 4 vụ/4 tàu vận chuyển lậu 111.000 lít dầu DO...
Không chỉ diễn ra nhiều trên vùng biển Tây Nam, thời gian gần đây, tại khu vực vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh lân cận, Hải đoàn Biên phòng 18 cũng đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển xăng dầu lậu. Theo đó, vào lúc 17 giờ, ngày 23/3/2023, trong quá trình tuần tra tại vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, Biên đội I/23, Hải đoàn Biên phòng 18 phát hiện, tạm giữ tàu TG94438 TS do ông Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1968, trú tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng, đang vận chuyển 15.000 lít dầu DO. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Bình không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc số dầu trên.
Tiếp đó, vào trưa 27/3/2023, tại vùng biển tỉnh Bến Tre, tiến hành kiểm tra hành chính, Biên đội I/23, Hải đoàn Biên phòng 18 phát hiện tàu KG95548TS vận chuyển khoảng hơn 100.000 lít dầu DO. Thuyền trưởng là ông Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1965, ngụ tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng trên.
Qua điều tra, ông Thanh cho biết, số dầu trên được mua lại từ một tàu vỏ gỗ không có biển số để bán lại cho ngư dân. Nếu việc mua bán trót lọt, mỗi lít dầu lậu, sau khi trừ chi phí sẽ lời khoảng hơn 1.000 đồng/lít. Như vậy, trong thời gian chưa đầy một tuần (từ ngày 23/3 đến ngày 27/3), Biên đội I/23, Hải đoàn Biên phòng 18 đã liên tiếp bắt giữ 2 vụ (2 phương tiện) vận chuyển hơn 121.000 lít dầu DO chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Cùng với Hải đoàn Biên phòng 28 và Hải đoàn Biên phòng 18, từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị BĐBP phía Nam đã phát hiện, tạm giữ nhiều vụ vận chuyển xăng dầu lậu. Cụ thể, tối 20/3/2023, tại vùng biển cách cửa biển Sông Đốc khoảng 30 hải lý về hướng Tây Nam, lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng Sông Đốc và Đội Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm (Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Cà Mau) đã phát hiện tàu đánh cá TG91987TS có dấu hiệu nghi vấn.
Qua kiểm tra, lực lượng tuần tra phát hiện trên tàu chở 47.000 lít. Ông Lương Văn Ri (ngụ tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là thuyền trưởng tàu TG91987TS không xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua bán và nguồn gốc số dầu nói trên. Lực lượng làm nhiệm vụ đã đưa người, phương tiện về cửa biển Sông Đốc điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đầu năm 2023 đến nay, đây là lần thứ 3 Đồn Biên phòng Sông Đốc phát hiện, tạm giữ các tàu đánh cá của ngư dân vận chuyển dầu lậu trên biển. Tổng số dầu đã tịch thu lên đến gần 200.000 lít.
Tại vùng biển tỉnh Sóc Trăng, ngày 23/3, Hải đội 2, BĐBP Sóc Trăng đã phát hiện tàu khai thác thủy sản số hiệu TS01727TS do Hoàng Văn Lượm (sinh năm 1981, ngụ tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng, đang vận chuyển 40.000 lít dầu DO không hóa đơn chứng từ. Đến ngày 27/3/2023, tại vùng biển Tiền Giang, BĐBP Tiền Giang phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Nam (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP) phát hiện tàu cá KG95859TS do Nguyễn Hồng Thành (sinh năm 1984, trú thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) điều khiển, đang vận chuyển 58.035 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ. Nguyễn Hồng Thành khai đã mua số dầu nói trên từ một tàu gỗ không có biển kiểm soát trên vùng biển Vũng Tàu. Qua điều tra, Bộ Chỉ huy BĐBP Tiền Giang đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Hồng Thành 50,5 triệu đồng và tịch thu 58.035 lít dầu DO.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng mua bán xăng dầu lậu thường diễn ra tại các khu vực biển tiếp giáp với Thái Lan và Campuchia. Trong quá trình mua bán, vận chuyển xăng dầu lậu, để tránh sự phát hiện của BĐBP và các lực lượng chức năng, các đối tượng thường sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn và hình thức hoạt động ngày càng tinh vi. Các vụ vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển do đơn vị bắt giữ, xử lý cho thấy, đa phần là tàu cá cải hoán thành tàu chở dầu rồi móc nối với các đối tượng nước ngoài mua dầu giá rẻ để bán lại cho người có nhu cầu trong nước. Cùng với việc sử dụng tàu cá để buôn lậu xăng dầu trên biển, nhằm đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, nhiều đối tượng còn dùng thủ đoạn như thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị hòng qua mặt lực lượng chức năng.
“Thoạt nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ đó là tàu khai thác hải sản. Tuy nhiên, trên tàu lại không có ngư cụ mà thay vào đó là nhiều dụng cụ dùng để sang chiết dầu như ống hút, trụ bơm. Đặc biệt, hầm chứa cá, nước đá của tàu đã được sửa lại để chuyên dùng cho việc chứa dầu” - Đại tá Đậu Thanh Thủy nói.