Nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn tồn tại rất nhiều đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt nên việc xảy ra tai nạn giao thông là điều khó tránh khỏi. Hiện tại, chính quyền địa phương, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An đang nỗ lực triển khai các biện pháp xóa bỏ đường ngang dân sinh.

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại đường ngang dân sinh và đường sắt thuộc địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: CTV

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại đường ngang dân sinh và đường sắt thuộc địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: CTV

Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trung bình 1km đường sắt ở nước ta có đến 1,85 đường ngang giao cắt và 70% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt. Cụ thể, trên toàn quốc có 5.564 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong số đó, đường ngang hợp pháp là 1.516 điểm, đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở là 4.048 điểm. Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Nghệ An đang tồn tại 150 đường ngang dân sinh và lối đi tự mở giao nhau với đường sắt. Phần lớn trong số đó không có gờ giảm tốc độ, biển cảnh báo nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.

Số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An cho thấy, từ cuối năm 2019 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 11 người, bị thương 5 người. Cụ thể, ngày 24-2-2020, tại khu vực đường ngang dân sinh thuộc địa bàn phường Vinh Tân, thành phố Vinh xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe ô tô tải và tàu chở hàng, khiến một người tử vong. Đây là khu vực đường ngang dân sinh, lối đi tự mở giao với đường sắt nhưng không có gác chắn. Ngành đường sắt đã lắp biển cảnh báo nguy hiểm cho người dân và cấm xe tải đi qua. Tuy nhiên, do thiếu chú ý quan sát, không chấp hành tín hiệu đèn khi có đoàn tàu chạy qua nên xảy ra vụ việc đáng tiếc. Đó là một trong những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây, qua đó thấy rằng, việc mất an toàn tại các đường ngang dân sinh và lối đi tự mở là nguy hiểm đến mức nào.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn là do người tham gia giao thông thiếu chú ý quan sát, không để ý tàu hỏa đến gần, nhất là các lối đi tự mở không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm. Với suy nghĩ thuận tiện cho việc đi lại nên người dân cố tình không chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường sắt, thậm chí một số trường hợp còn phá bỏ các hệ thống rào chắn, cột giới hạn an toàn mà ngành đường sắt đã xây dựng.

“Để hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, ngoài bố trí người canh gác, lắp đặt các biển, đèn tín hiệu tại nút giao với đường bộ thì Công ty Cổ phần Đường sắt Nghệ Tĩnh còn phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương phát quang các lối đi tự mở, tạo tầm nhìn. Tiến hành hạn chế lối đi từ 3m xuống 1m và phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bổ sung các gờ giảm tốc qua các lối đi tự mở nhằm hạn chế tốc độ qua các lối đi này” - Ông Trần Văn Kế, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết.

Xóa lối đi tự mở giao nhau với đường sắt được xác định là một trong những cách làm kéo giảm tai nạn. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đang gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết các đường này có từ lâu, cũng là độc đạo từ khu dân cư này qua khu dân cư khác. Cho nên việc đóng các lối đi này sao cho vừa thuận tiện đi lại, vừa đảm bảo an toàn giao thông cho người dân là điều không phải giải quyết trong ngày một, ngày hai. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã và đang có nhiều giải pháp nhằm hạn chế và ngăn ngừa tai nạn giao thông tại các lối đi này. Ngoài 34 điểm được lắp đặt hệ thống rào chắn và biển báo tự động tại các đường ngang dân sinh và lối đi tự mở, Nghệ An còn tiếp tục bổ sung thêm kinh phí lắp đặt, thêm các hệ thống rào chắn tự động tại những điểm có lưu lượng tham gia giao thông cao và đóng các lối đi tự mở tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông. Đồng thời, xây dựng phương án làm các đường gom để đến năm 2025, xóa bỏ hết toàn bộ các đường ngang dân sinh và lối đi tự mở trên địa bàn toàn tỉnh. Tiến hành cắm biển cảnh báo, biển hạn chế phương tiện qua lại, làm hàng rào bảo vệ.

Ông Trần Lê Thắng, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Nghệ An cho biết: “Trước mắt, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, đường sắt. Mặt khác, đề xuất với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng như Cục Đường sắt Việt Nam tiến hành nâng cấp các lối đi tự mở có lưu lượng tham gia giao thông cao và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, nâng cấp các đường ngang hợp pháp để có những biện pháp đảm bảo an toàn giao thông”.

Để thực hiện được mục tiêu theo kế hoạch hiện gặp vô vàn khó khăn do kinh phí hạn hẹp, trước mắt, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các văn bản chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn thực hiện kiểm soát chặt chẽ các lối đi dân sinh đã được rào chắn, đảm bảo không cho người dân phá dỡ các lối đi này. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền cho người dân các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt. Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với các lực lượng chức năng, Ban An toàn giao thông các huyện, xã, thị trấn có tuyến đường sắt chạy qua tiếp tục tổ chức kiểm tra dọc tuyến nhằm phát hiện, giải quyết kịp thời các sai phạm. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các đơn vị chức năng, quan trọng hơn cả vẫn là mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông qua những điểm giao cắt với đường sắt, tránh để tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/no-luc-keo-giam-tai-nan-giao-thong-post432375.html