Nỗ lực kéo giảm tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội

Theo ngành chức năng, thời gian qua, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cao và ngày càng trẻ hóa.

Bị cáo Nguyễn Tấn Phát cùng các đồng phạm can tội giết người khi mới ở độ tuổi từ 16-18. Ảnh: P.Huệ

Bị cáo Nguyễn Tấn Phát cùng các đồng phạm can tội giết người khi mới ở độ tuổi từ 16-18. Ảnh: P.Huệ

Nguyên nhân được xác định do đây là đối tượng còn trẻ nên dễ bị lôi kéo, kích động; thiếu sự quan tâm, giáo dục từ gia đình; sự tác động của mặt tiêu cực từ môi trường xã hội… đã ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách của trẻ.

Sa chân vào vòng lao lý

Trẻ vị thành niên thường vi phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông; trộm cắp, cướp giật tài sản; ma túy; cố ý gây thương tích; thậm chí là “kéo bè, kết cánh” tham gia vào những vụ ẩu đả dẫn đến giết người…

Đáng chú ý là tình trạng trẻ vị thành niên cùng tụ tập ăn nhậu, rủ nhau mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn và vướng vào vòng lao lý bằng bản án giết người. Đơn cử như ngày 1-8, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tuyên phạt các bị cáo cùng ngụ tại huyện Cẩm Mỹ gồm: Nguyễn Tấn Phát (17 tuổi, ngụ xã Bảo Bình); Thóng Hưng Quý (18 tuổi, ngụ xã Xuân Tây); Trần Gia Huy (17 tuổi, ngụ xã Bảo Bình); Bùi Đức Tấn Đạt (18 tuổi, ngụ xã Xuân Bảo); Chế Ngọc Thành (19 tuổi, ngụ xã Bảo Bình) từ 5-8 năm tù về tội giết người.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, do có mâu thuẫn từ trước nên ngày 28-2-2023, Tấn Phát đã rủ Đạt, Huy đến xã Bảo Bình đánh nhau với Nguyễn Ngọc Hải (17 tuổi) và bạn của Hải, nhưng được can ngăn nên hai bên ra về. Sau đó, Hải gọi điện cho Phùng Minh Kỳ (19 tuổi, ngụ xã Bảo Bình) kể lại việc bị nhóm Tấn Phát đánh nên 2 nhóm hẹn gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn.

Tối 1-3-2023, Kỳ chuẩn bị 5 quả “bom xăng” rồi gọi điện rủ nhiều đối tượng khác (trong đó có Nguyễn Minh Phát, 17 tuổi, ngụ xã Bảo Bình) đi “nói chuyện”. Nhóm của Tấn Phát cũng mang dao rựa đi đánh nhau. Trong lúc hỗn chiến tại khu vực ấp 7, xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), Quý, Đạt, Thành, Huy, Tấn Phát đã dùng dao rựa chém trúng đầu Minh Phát gây thương tật tỷ lệ 35%. Điều đáng nói, khi gây án, các bị cáo chỉ mới 16-18 tuổi.

Cũng có những trẻ chưa thành niên tham gia thực hiện hành vi cướp giật tài sản rất manh động và liều lĩnh. Điển hình như ngày 22-7-2024, Công an huyện Nhơn Trạch đã tạm giữ hình sự 2 đối tượng Trần Nhật Huy (16 tuổi, ngụ xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) và Nguyễn Trường Xuyên (20 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) để điều tra về hành vi cướp giật tài sản. Trước đó, Công an huyện nhận được tin báo của bà T.A. (45 tuổi, ngụ xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) về việc bị 2 đối tượng cướp giật dây chuyền tại khu vực ấp Đất Mới, xã Phú Hội. Qua truy xét, 2 đối tượng Huy và Xuyên nhanh chóng bị công an bắt giữ.

Cũng có những bị cáo chỉ mới 17 tuổi nhưng đã phải lãnh bản án tù nghiêm khắc bởi các tội danh rất nguy hiểm. Mới đây, ngày 20-6, TAND tỉnh tuyên phạt bị cáo Đinh Hồng Huy (17 tuổi, ngụ huyện Tân Phú) 17 năm tù về các tội giết người và hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Theo nội dung vụ án, Huy và T.A. (sinh năm 2009, ngụ huyện Tân Phú) quen biết với nhau từ trước. Do có ý định quan hệ tình dục với T.A. nên ngày 31-5-2023, Huy mượn xe của bạn đi mua một lít rượu, 10 lon bia rồi đón T.A. và một người bạn khác đến khu vực ven đường thuộc Khu công nghiệp Tân Phú để nhậu. Rạng sáng 1-6-2023, khi chở T.A. về nhà, Huy đã dùng vũ lực cưỡng bức và xâm hại T.A. nhiều lần.

Đối với trẻ chưa thành niên phạm tội, tính từ tháng 6-2023 đến 6-2024, TAND 2 cấp của tỉnh đã giải quyết 88 vụ, 96 bị cáo trong tổng số 109 vụ, 118 bị cáo đang thụ lý (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023). Cụ thể, từ tháng 6-2022 đến tháng 6-2023, TAND 2 cấp của tỉnh đã giải quyết 49 vụ, 60 bị cáo trong tổng số 56 vụ, 71 bị cáo đang thụ lý.

Cần giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách tốt

Theo Hội thẩm nhân dân Nguyễn Thị Chi, tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật hiện ngày càng nhiều, thực hiện hành vi rất manh động, liều lĩnh và nguy hiểm. Các đối tượng thường rủ nhau thành từng nhóm tổ chức ăn nhậu, chơi bời. Khi xảy ra mâu thuẫn nhỏ, kể cả mâu thuẫn từ mạng xã hội, lại chuẩn bị hung khí nguy hiểm như: dao, mã tấu, bom xăng, thậm chí có đối tượng còn chuẩn bị súng tự chế, để “thanh toán” nhau.

Các trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật thường do bỏ học từ sớm nhưng chưa đủ tuổi để đi làm nên sống lang thang, có thời gian tham gia tụ tập ăn chơi, nhậu nhẹt. Ngoài ra, do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ chưa thành niên đang trong quá trình hoàn thiện về thể chất và nhân cách nên dễ bị kích động, lôi kéo; thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và bị tác động bởi mặt tiêu cực từ môi trường xã hội... Đặc biệt là những thông tin độc, xấu từ mạng xã hội như hình ảnh, các trò chơi bạo lực, ma túy… khiến cho trẻ tò mò, làm theo và sớm sa chân vào con đường phạm tội.

Theo bà Nguyễn Thị Chi, để ngăn chặn, kéo giảm tình trạng trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật đòi hỏi phải giáo dục trẻ ngay từ trong gia đình. Cha mẹ cần có sự quan tâm, quản lý chặt chẽ con để sớm phát hiện những biểu hiện lệch lạc của trẻ và chấn chỉnh, uốn nắn nhân cách cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Nhà trường ngoài việc đào tạo về kiến thức thì cần tăng các giờ học kỹ năng sống cho học sinh, tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật bằng những câu chuyện thực tế để vừa giáo dục, vừa mang tính răn đe.

Đặc biệt, các thầy, cô giáo cũng cần thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình để cùng quản lý, giáo dục giúp các em phát triển toàn diện. Mặt khác, các cơ quan chức năng địa phương phải vào cuộc với lực lượng công an, phối hợp với các gia đình tăng cường nhắc nhở, răn đe, giáo dục thanh thiếu niên cá biệt; kịp thời uốn nắn, giúp các em có lối sống lành mạnh, góp phần hạn chế vấn nạn vi phạm pháp luật ở trẻ chưa thành niên.

Phạm Huệ

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202408/no-luc-keo-giam-tinh-trang-tre-vi-thanh-nien-pham-toi-95c59cc/