Nỗ lực kéo giảm tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật

Thời gian gần đây, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều với những diễn biến phức tạp. Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn với loại tội phạm này, Ban chủ nhiệm Dự án 4, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch 'Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người'. Trên cơ sở này, Ban Chủ nhiệm Dự án 4 tỉnh Quảng Trị đã triển khai kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực.

 Xây dựng sân chơi bổ ích, môi trường lành mạnh và an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Ảnh: T.T

Xây dựng sân chơi bổ ích, môi trường lành mạnh và an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Ảnh: T.T

Trong khoảng thời gian hơn hai năm, từ tháng 6/2018 đến tháng 9/2020, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ/37 đối tượng/30 trẻ em liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người, trong đó có 7 vụ liên quan đến tội danh hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Theo đánh giá, tội phạm vi phạm pháp luật xâm hại trẻ em có sự gia tăng qua các năm, chủ yếu là hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Địa bàn xảy ra chủ yếu là vùng nông thôn, miền núi như huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Đakrông.

Tình trạng người chưa thành viên vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng đã phát hiện 132 vụ/212 đối tượng dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, liên quan đến các tội danh như giết người, cướp tài sản, trộm cắp, tổ chức sử dụng trái phép, mua bán trái phép chất ma túy… Ngoài ra, phát hiện 3 vụ việc có dấu hiệu liên quan tội phạm mua bán người, xử lý hành chính 13 vụ/13 đối tượng liên quan đến bạo lực gia đình. Theo Đại tá Trần Đức Triệu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, tình trạng thanh thiếu niên phạm tội có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là tác động từ phía gia đình và xã hội. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, văn hóa, đạo đức, lối sống trong thanh thiếu niên chưa được coi trọng đúng mức. Do vậy, một bộ phận không nhỏ đối tượng là người chưa thành niên khi thực hiện hành vi mà không biết rằng đó là hành vi phạm tội.

Để nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người, các đơn vị thành viên Ban Chủ nhiệm Dự án 4 đã tăng cường hoạt động tuyên truyền. Trên địa bàn nội, ngoại biên giới, biển đảo, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm. Tổ chức nhiều đợt tuần tra với hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia nhằm tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn, kịp thời ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật.

Hội LHPN tỉnh tổ chức hoạt động truyền thông với chủ đề năm 2020 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” gắn với việc lồng ghép tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên, phòng chống bạo lực gia đình cho 4.250 lượt người. Triển khai chiến dịch “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” ở 5 xã biên giới ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Cùng với đó, hội LHPN các địa phương này cũng đã phối hợp với Tổ chức Plan xây dựng mô hình “Nhóm cha mẹ”, các câu lạc bộ “Trẻ em gái”. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh duy trì và nâng cao hiệu quả 250 câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tổ chức tốt mô hình “Chi hội, tổ phụ nữ không có con em vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” với 13.848 thành viên; xây dựng 610 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 712 buổi chiếu phim lưu động, lồng ghép tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Hướng dẫn 799 làng, bản, khu phố và 1.054 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh xây dựng, thực hiện, bổ sung, sửa đổi hương ước, quy ước và bình xét các danh hiệu văn hóa gắn với các tiêu chí an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội. Ngành giáo dục đã tổ chức tập huấn cho các giáo viên thuộc tổ tư vấn tâm lý học sinh của các cấp học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thành lập tổ tư vấn tâm lý cho học sinh nhằm giúp đỡ các em biết cách phòng, chống xâm hại từ người khác. Em Nguyễn Thị Thanh Bình, học sinh lớp 7A, Trường Tiểu học và THCS Cam Hiếu, huyện Cam Lộ bày tỏ: “Em thấy các nội dung về Luật phòng, chống xâm hại trẻ em rất bổ ích. Qua đây, em cũng sẽ nói với bạn bè nơi cư trú, người thân trong gia đình nâng cao nhận thức và tiếp tục có những hành động thiết thực hơn để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em”…

Trong thời gian tới, các đơn vị thành viên Dự án 4 tiếp tục tập trung tuyên truyền chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em để nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là tuyên truyền kỹ năng phòng ngừa, nhận diện và ứng phó với hành vi xâm hại trẻ em, mua bán trẻ em. Xây dựng, củng cố các mô hình quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm; các mô hình về phòng, chống xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình và mua bán người, tạo môi trường an ninh an toàn, ổn định, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=154870