Nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3

Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại nhiều địa phương. Tính đến 10 giờ ngày 8/9 đã có 14 người chết và 176 người bị thương do bão số 3. Theo Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), Cục đã điều động 17.367 người (4.730 bộ đội và 12.637 dân quân tự vệ) và 243 phương tiện các loại thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.

Lực lượng chức năng Thủ đô Hà Nội khắc phục hậu quả sau bão số 3. Ảnh: Quang Vinh.

Lực lượng chức năng Thủ đô Hà Nội khắc phục hậu quả sau bão số 3. Ảnh: Quang Vinh.

Về tình hình thiệt hại do bão số 3 gây ra, tính đến 10 giờ sáng ngày 8/9 đã có 14 người tử vong (Quảng Ninh 4, Hà Nội 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1, Hòa Bình 4, Quân khu 3: 1), bị thương 176 người (Quảng Ninh 157, Hà Nội 8, Hải Phòng 5, Hải Dương 5, Hòa Bình 1).

Hà Nội: Tập trung giải tỏa hàng nghìn cây gãy đổ

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) TP Hà Nội cho biết, bão số 3 đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản TP Hà Nội đã có 5 người thương vong, nhiều ô tô, xe máy bị hư hỏng.

Báo cáo cũng cho biết, có 52ha diện tích lúa, 159,1ha rau màu bị ngập; 13.750,2ha lúa và 488,9ha rau màu bị đổ; 10,3ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 274 hộ dân và công trình khác bị tốc mái nhà lợp tôn; 4 nhà mái tôn bị sập; 992m tường bao bị đổ; 19 công trình nhà ở bị hư hỏng; nhiều cột điện và hàng nghìn cây xanh bị gãy, đổ.

Ghi nhận sáng 8/9, mặc dù trời mưa to nhưng các đơn vị, lực lượng chức năng vẫn tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị giải tỏa cây gãy đổ trên các tuyến phố Thủ đô, vệ sinh môi trường, bảo đảm giao thông thông suốt.

Người dân Hà Nội di chuyển khó khăn khi cây xanh gãy đổ do bão số 3. Ảnh: Lê Minh.

Người dân Hà Nội di chuyển khó khăn khi cây xanh gãy đổ do bão số 3. Ảnh: Lê Minh.

Bắc Giang: 1 người bị lũ cuốn trôi

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bắc Giang, đến 6 giờ sáng 8/9, bão số 3 (bão Yagi) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trong ngày 8/9, các nơi trong tỉnh xảy ra đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Bão số 3 đã làm 1 người ở Lục Ngạn bị mất tích do lũ cuốn trôi (hiện chưa xác định được danh tính); 4 người bị thương đã được đưa đi cấp cứu. Bão số 3 cũng làm đổ sập 1 nhà ở thành phố Bắc Giang, tốc mái 1.257 nhà. Lực lượng chức năng đã di dời khẩn cấp 458 hộ gia đình...

Khắc phục hậu quả cơn bão số 3, sáng 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã ký Công điện ứng phó khẩn cấp với tình hình mưa lũ tại huyện Sơn Động và Lục Ngạn. Trong đó, thiết lập Ban chỉ huy tiền phương tại thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn do ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang làm trưởng ban.

Sáng 8/9, các ông: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang; Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang dẫn đầu 2 đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão tại huyện Lục Ngạn.

Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh bị vỡ nát nhiều hạng mục. Ảnh: N.Q.

Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh bị vỡ nát nhiều hạng mục. Ảnh: N.Q.

Quảng Ninh: Thiệt hại nặng nề

Theo thống kê ban đầu, Quảng Ninh có 4 người chết, 157 người bị thương. Đặc biệt trong đó nhiều phương tiện là tàu, thuyền đang hoạt động trên địa bàn tỉnh bị trôi dạt. Ngay trong đêm, các lực lượng thường trực tại tỉnh đã gấp rút tổ chức tìm kiếm trên quy mô lớn, cứu được 46 người, công tác rà soát, tìm kiếm vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Về tài sản, sơ bộ tại các địa phương có 2.083 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; 254 cột điện bị gãy đổ; có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hầu bị mất, cuốn trôi; 336 ha lúa bị đổ, ngập úng; Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng; hệ thống thông tin, liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối không liên lạc được; mất điện trên diện rộng...

Trước những thiệt hại nặng nề do bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tiếp tục hỗ trợ Quảng Ninh trong công tác khắc phục thiệt hại từ cơn bão; bố trí máy bay trực thăng để rà soát tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long; sớm thực hiện nâng cấp đê Hà Nam hiện đang xuống cấp để đảm bảo an toàn cho hơn 60.000 hộ dân trên 8 xã của thị xã Quảng Yên. Đồng thời, sớm ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn đối với các công trình trên biển, trên đất liền có thể chịu đựng được cấp bão cao như cơn bão số 3, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện tại tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục huy động tổng lực các ngành, địa phương, công an, quân đội và nhân dân tập trung dọn dẹp để sớm ổn định cuộc sống.

Thái Bình, Nam Định: Hàng nghìn héc ta lúa bị thiệt hại

Dù không phải là tâm bão đi qua nhưng bão số 3 cũng gây thiệt hại nặng tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Báo cáo cập nhật đến 9 giờ sáng ngày 8/9 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình cho biết bão không gây thiệt hại về người nhưng làm một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, nhiều cây cối bị gãy đổ, bật gốc; làm 30 cột điện, 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy; 17 trạm biến áp bị sự cố.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, bão làm 6.000ha lúa bị thiệt hại khoảng 30-70% 5.000ha bị thiệt hại trên 70%; 585ha rau màu bị ảnh hưởng 30-70%; 2.760ha bị ảnh hưởng trên 70%; 1.215ha cây ăn quả bị ảnh hưởng 30-70%; 170ha bị ảnh hưởng hơn 70%. Diện tích lúa nghiêng, đổ bị úng ngập ước tính là 18.000ha.

Tại tỉnh Nam Định bước đầu các ngành chức năng, địa phương ở tỉnh xác định khoảng 5.000ha lúa bị ảnh hưởng; 230ha cây hoa màu, 130ha cây ngô hè thu bị hư hỏng; 20ha nuôi cá da trơn, 220ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng; 2 nhà văn hóa bị tốc mái; hàng nghìn cây bóng mát bị đổ...

Trong ngày 8/9, các tỉnh Thái Bình, Nam Định tập trung thực hiện tiêu nước cứu cây trồng bị ngập úng; dọn dẹp cây đổ, rà soát toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn, khắc phục các điểm ách tắc, ngập lụt để đảm bảo giao thông thông suốt; khôi phục hoạt động trong các lĩnh vực điện, nước, viễn thông, môi trường; sớm đưa các hoạt động của doanh nghiệp, người dân trở lại bình thường.

Thanh Hóa: Khẩn trương khắc phục nhà ở cho dân

Mặc dù không nằm trong khu vực tâm bão số 3 (bão Yagi) đi qua, tuy nhiên các địa phương ở khu vực miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa cũng phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề về nhà cửa với gần 133 căn nhà bị tốc mái, một số tuyến giao thông huyết mạch bị sụt lún…

Tại huyện biên giới Mường Lát, giông, lốc đã làm 64 căn nhà bị tốc mái, trong đó có 16 căn bị thiệt hại nghiêm trọng, 4 nhà bị cây đổ gây sạt lở móng. Riêng tại xã Pù Nhi, mưa, giông, lốc làm sạt, nghiêng nhà ở, tốc mái nhà của 46 hộ dân. Tại huyện miền núi Quan Sơn, 1 người dân bị thương do ảnh hưởng bởi bão số 3; 30 ngôi nhà bị tốc mái một phần; gần 40 ha lúa bị đổ; 1 cột thu phát sóng bị gãy. Hệ thống giao thông bị sạt lở nặng nề.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết chiều 8/9, ông Lò Văn Đồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mường Lát cho biết: Để khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Lát cùng các ngành chức năng, đoàn thể liên qua đang tập trung triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân.

Các ngành chức năng cũng đang tập trung khắc phục những điểm trên hai tuyến QL15C và QL16 bị sụt lở, gây nguy hiểm, ách tắc cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Ông Đồng nói: “Đối với các căn nhà bị tốc mái và thiệt hại nặng, huyện đang chỉ đạo các địa phương và người dân chủ động khắc phục để sớm ổn định đời sống. Đồng thời, huyện cũng đang cho rà soát lại thiệt hại và có tính toán để đưa ra mức hỗ trợ cụ thể cho từng trường hợp bị thiệt hại do mưa bão trong thời gian sớm nhất”.

Miền Bắc có thể xảy ra mưa lớn phức tạp

Ngày 8/9 chuyên gia Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia lưu ý, các tỉnh Bắc Bộ vẫn còn mưa lớn sau bão số 3, nguy cơ cao xảy lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất.

Cụ thể, ông Hoàng Văn Đại - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay: Trong 24 - 48 giờ tới, các tỉnh Bắc Bộ vẫn còn mưa lớn sau bão. Trong đó, phía Tây Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm; khu vực Đông Bắc có lượng mưa phổ biến 60-70 mm. Các khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Thanh Hóa có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Vị chuyên gia này khuyến cáo người dân cần quan sát hiện tượng xung quanh, khi thấy dấu hiệu của sạt lở đất, tức là xuất hiện vết nứt tường nhà, sườn đồi; cây cối nghiêng; nước sông suối chuyển màu đục; mặt đất phồng lên, mặt đất rung chuyển; âm thanh lạ trong lòng đất... thì lưu ý.

Người dân cần tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét như triền núi, khu vực giáp sông suối; di chuyển thật xa ra khỏi nơi nguy hiểm... Người dân cần theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt ở đất, thông báo cho chính quyền và những người xung quanh.

T.S

Thái Nhung - Duy Hưng - Nguyễn Quý - Đức Sơn - Tuấn Minh - Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/no-luc-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-10289675.html