Nỗ lực khắc phục hậu quả mưa dông để đón học sinh về trường

Theo kế hoạch, ngày mai (27-4), 194.560 học sinh các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT của tỉnh Điện Biên sẽ trở lại học tập sau thời gian dài tạm nghỉ để phòng, chống Covid-19. Nhưng do hậu quả mưa dông gây thiệt hại nhiều trường, lớp học nên hiện nhiều trường vẫn chưa hoàn thành khắc phục hậu quả mưa bão, công tác khắc phục hậu quả đang gặp nhiều khó khăn…

Giáo viên Trường mầm non Núa Ngam tập trung hót đất đá tràn vào điểm trường tại bản Pá Bông.

Giáo viên Trường mầm non Núa Ngam tập trung hót đất đá tràn vào điểm trường tại bản Pá Bông.

NDĐT - Theo kế hoạch, ngày mai (27-4), 194.560 học sinh các cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT của tỉnh Điện Biên sẽ trở lại học tập sau thời gian dài tạm nghỉ để phòng, chống Covid-19. Nhưng do hậu quả mưa dông gây thiệt hại nhiều trường, lớp học nên hiện nhiều trường vẫn chưa hoàn thành khắc phục hậu quả mưa bão, công tác khắc phục hậu quả đang gặp nhiều khó khăn…

Thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Điện Biên, trong số gần 1.600 nhà bị thiệt hại do mưa dông những ngày qua có nhiều phòng học, phòng ở, phòng ăn phục vụ học sinh ở các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Nậm Pồ cũng bị thiệt hại nặng. Tại xã Núa Ngam (huyện Điện Biên), riêng Trường Mầm non Núa Ngam có bốn điểm trường ở các bản: Tin Lán, Huổi Hua, Pá Bông, Na Sang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là điểm trường Pá Bông mới được xây dựng kiên cố song đã bị hàng trăm mét khối đất đá từ trên đồi tràn vào sân trường và lớp học, hư hỏng nhiều đồ dùng của học sinh. Ở huyện biên giới Nậm Pồ, mưa dông đã tốc hoàn toàn mái nhà điểm trường mầm non bản Xam Lang (xã Nà Hỳ); 10 phòng học, nhà bán trú của học sinh điểm trường mầm non bản Ngải Thầu 2 và Trường THCS bị tốc mái hoàn toàn. Riêng xã Vàng Đán, mưa dông làm đổ sập hoàn toàn hai lớp học tại điểm bản Vàng Đán, Huổi Khương; một nhà bếp, hai dãy nhà bán trú trường Tiểu học Vàng Đán bị tốc mái hoàn toàn.

Ở huyện Điện Biên Đông cũng đã ghi nhận hai lớp học mầm non thuộc xã Pú Nhi bị tốc mái. Thiệt hại ước với riêng ngành giáo dục các huyện trên lên tới hàng tỷ đồng song điều quan trọng lúc này là đòi hỏi khẩn trương khắc phục thiệt hại để đón học sinh trở lại học tập. Trao đổi với lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện được biết, ngay khi nắm thông tin về thiệt hại tại các trường, điểm trường, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng trong huyện, Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên tập trung nhân lực khắc phục. Theo đó, trong các ngày 25 và 26-4 Ban Giám hiệu Trường Mầm non Núa Ngam đã huy động toàn bộ giáo viên và sự hỗ trợ của hàng chục phụ huynh về bốn điểm trường tập trung thu dọn, hót đất đá trong các phòng học, sân trường.

Với huyện Nậm Pồ, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường bị thiệt hại ưu tiên trước nhất là khắc phục hư hỏng các phòng học, nhà ăn, phòng ở cho học sinh; nếu đến ngày 27-4 chưa khắc phục hoàn toàn thiệt hại thì Ban Giám hiệu các trường phải tạm thời bố trí phòng làm việc, phòng họp thành phòng học, phòng ở cho học sinh đến khi hoàn thành khắc phục hoàn toàn các phòng hư hỏng. Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Nậm Pồ, cho biết: Ngay khi xảy ra thiệt hại, Phòng đã chỉ đạo các trường khẩn trương thống kê, kiểm tra thiệt hại; đồng thời giao các trường chủ động liên hệ mua chịu nguyên vật liệu (tôn, xà) để khắc phục thiệt hại. Vì hầu hết thiệt hại ở xã Vàng Đán, Nà Bủng đều rất nặng nề; mái nhà bán trú Trường Tiểu học Vàng Đán còn bị lốc cuốn xa vài trăm mét nên hỏng toàn bộ không thể khắc phục được. Với 33 gia đình thầy, cô giáo bị tốc mái, đổ nhà do mưa dông, Phòng đã đề nghị giáo viên các trường lân cận sang hỗ trợ các thầy cô khắc phục khó khăn trước mắt để tạm ổn định.

Giáo viên, phụ huynh khắc phục thiệt hại sau mưa dông tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vàng Đán (huyện Nậm Pồ).

Giáo viên, phụ huynh khắc phục thiệt hại sau mưa dông tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vàng Đán (huyện Nậm Pồ).

“Khó khăn nhất trong khắc phục thiệt hại là trời mưa không ngớt, nước suốt Nậm Pồ dâng cao khiến việc vận chuyển nguyên, vật liệu rất khó khăn. Ở hai xã Nà Bủng, Vàng Đán mất điện do nhiều cột điện hư hỏng nên việc hàn xì sửa chữa nhà ở, phòng học không thực hiện được”, thầy Thuận cho biết thêm.

Chung tay giúp ngành giáo dục khắc phục hậu quả mưa bão, những ngày qua có hàng nghìn lượt phụ huynh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và đoàn viên thanh niên các huyện đã góp sức tu sửa phòng học, lợp lại mái trường, phòng ăn cho học sinh. Ở huyện biên giới Nậm Pồ, những ngày qua vẫn liên tục có mưa khiến công tác khắc phục hậu quả mưa bão càng khó khăn vất vả hơn. Song dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy quân sự, Công an huyện và các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn đã không quản ngại dầm mình dưới mưa để vận chuyển nguyên vật liệu, dựng lại phòng học cho các em. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thành niên trong toàn huyện, đến chiều ngày 26-4, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Nậm Pồ đã cơ bản khắc phục thiệt hại ở điểm trường mầm non Xam Lang, bản Ngải Thầu 2. Với các trường ở Nà Bủng, Vàng Đán, Huổi Khương, Huổi Dạo công tác khắc phục đang được thực hiện hết sức khẩn trương trong điều kiện rất nhiều khó khăn vì thời tiết, địa hình xa xôi cách trở lại thiếu thốn đủ thứ những lúc này.

Bài và ảnh: LAN LÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44242902-no-luc-khac-phuc-hau-qua-mua-dong-de-don-hoc-sinh-ve-truong.html