Nỗ lực khắc phục thiệt hại, tái thiết sản xuất
Mưa, bão làm thiệt hại gần 3.000ha lúa, rau màu các loại và cây trồng hằng năm; hơn 61.000ha keo; 36.000ha rừng phòng hộ; 900ha rừng phòng hộ ven biển; 10,45ha cây giống và hơn 35 tấn hạt giống các loại... Ngành chức năng, chính quyền các địa phương và người dân đang nỗ lực khắc phục thiệt hại, tái thiết sản xuất...Sẽ xử lý nghiêm những cơ sở cung ứng giống kém chất lượng
Dọn rừng, vệ sinh đồng ruộng
“Hơn 3ha keo 4 năm tuổi gãy đổ do bão đã được thương lái thu mua với giá 960 nghìn đồng/tấn, thấp hơn 150 nghìn đồng/tấn so với keo đứng. Nhưng vì chi phí thuê lao động quá cao, nên tiền bán keo không đủ để dọn rừng”, ông Trần Văn Mười, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) cho biết. Ngay khi tận thu keo ngã đổ, ông Mười cũng tập trung phát dọn thực bì, tiến hành trồng vụ mới.
Nông dân tranh thủ dọn cỏ, vệ sinh ruộng, đợi thời tiết thuận lợi sẽ xuống giống rau các loại.
Không chỉ ông Mười, mà hàng nghìn hộ dân ở các địa phương cũng đang tập trung tận thu keo ngã đổ, sẵn sàng bước vào vụ trồng rừng chính trong năm. Tuy nhiên, điều người dân lo lắng nhất hiện giờ là nguồn cây giống khan hiếm, vì nhiều vườn ươm trên địa bàn tỉnh đều thông báo “không có hàng”. Như ông Mười, dù đã vào tỉnh Bình Định để tìm mua cây giống, nhưng nhiều chủ vườn ươm cũng không dám đảm bảo sẽ cung ứng 50 nghìn cây cho ông. Đó là chưa kể giá bán và chi phí vận chuyển cũng cao hơn mọi năm.
Trong khi đó, người trồng rau ở các “vựa” sản xuất rau trên địa bàn tỉnh cũng tập trung vệ sinh đồng ruộng, làm đất để sẵn sàng xuống giống ngay khi thời tiết thuận lợi. Mưa, bão kéo dài gần 1 tháng qua, đã làm thiệt hại hàng nghìn hécta rau màu các loại, nhất là rau xanh. Vì vậy, bên cạnh các loại cây cho củ, quả (ớt, đu đủ, cà tím...), hiện người trồng rau trên địa bàn tỉnh cũng ưu tiên xuống giống các loại rau ăn lá, để nhanh thu hoạch.
Sẵn sàng nguồn giống
Mưa, bão không chỉ khiến các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại cơ sở hạ tầng, mà còn làm hư hại nhiều loại vật tư, sản phẩm, giống cây trồng. Tại Trung tâm Giống Quảng Ngãi, trên 35 tấn hạt giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng, giống xác nhận và vật liệu nghiên cứu bị ướt, phải xử lý lại; 10,3ha rừng trồng thực nghiệm keo lai mô bị gãy đổ hoàn toàn… “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẵn sàng cung ứng 1.000 tấn lúa giống, 3 tấn giống rau màu các loại, đáp ứng trên 40% nhu cầu hạt giống sản xuất vụ đông xuân sắp đến”, Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi Đỗ Đức Sáu cho biết.
Giám đốc Công ty Nông lâm sản TBT Quảng Ngãi Võ Thị Hồng Vân thì khẳng định: Để đáp ứng nhu cầu hạt giống phục vụ sản xuất đông xuân sắp đến, ngoài nguồn dự trữ, công ty đã chủ động liên kết với các DN, cơ sở sản xuất giống ngoài tỉnh, đảm bảo cung ứng khoảng 1.000 tấn lúa giống và 50 tấn giống rau màu, cây trồng ngắn ngày, với giá bán ổn định, chất lượng đảm bảo.
Theo Sở NN&PTNT, vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh gieo sạ khoảng 38 nghìn hécta lúa và hàng nghìn hécta rau màu, nên nhu cầu hạt giống phục vụ sản xuất khá lớn. Tuy nhiên, cùng với nguồn dự trữ, các DN sản xuất và kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động liên kết với các đơn vị ngoài tỉnh, đảm bảo cung ứng đủ số lượng hạt giống các loại.
Riêng giống cây lâm nghiệp, chủ yếu là keo giống sẽ gặp nhiều khó khăn, vì nhu cầu trồng rừng tăng mạnh, mà số lượng cây giống hiện có chưa đến 1 triệu cây. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân tập trung tận thu keo bật gốc, gãy cành và dọn rừng, nhưng không phát dọn thực bì. “Bên cạnh việc kiến nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ giống, chúng tôi cũng sẽ liên hệ với một số DN, cơ sở sản xuất cây keo giống ngoài tỉnh tạo điều kiện cung ứng cây giống cho người dân trong tỉnh”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Đại nói.