Nỗ lực kiềm chế lạm phát khắp thế giới

Chính phủ nhiều nền kinh tế trên thế giới đang tất bật với 'cuộc chiến' chống lạm phát trong bối cảnh giá nhiên liệu và các mặt hàng chính không ngừng leo thang.

Đối phó lạm phát và tình trạng giá cả leo thang là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nhiều nước.

Đối phó lạm phát và tình trạng giá cả leo thang là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nhiều nước.

Tại Mỹ, nơi lạm phát đã lên đến 8,3% trong tháng 4, các nỗ lực chống lạm phát của Tổng thống Joe Biden đang nhằm vào giá khí đốt, thực phẩm và ô tô thông qua một loạt hành động hành pháp.

Để hạ giá xăng, ông Biden đã công bố kế hoạch "giải phóng" 1 một triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho dự trữ chiến lược trong 6 tháng và cho phép bán xăng có hàm lượng ethanol cao hơn trong mùa hè.

Còn tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã thực hiện nhiều biện pháp kể từ cuối năm 2021 để kiềm chế đà tăng mạnh của giá hàng hóa và hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp.

Trung Quốc đã nâng công suất khai thác than đá trong nước, tăng cường nhập khẩu các hàng hóa từ kho dự trữ quốc gia để làm chậm đà tăng giá. Trung Quốc cũng sẽ miễn thuế nhập khẩu than đá để giúp đảm bảo nguồn cung năng lượng.

Trong khi đó, Nga, nơi ghi nhận tỷ lệ lạm phát 16,7% trong tháng 3, Ngân hàng Trung ương nước này đã tăng gấp đôi lãi suất để bình ổn đồng Ruble.

Chính phủ Nga đã dựa vào các nhà sản xuất và bán lẻ để hạn chế đà tăng giá các hàng hóa cơ bản, trong đó có thực phẩm và một số kim loại.

Chính phủ Hàn Quốc dự kiến cắt giảm chi ngân sách vào năm tới, trong bối cảnh nước này đang thực hiện “thắt lưng buộc bụng” do khó khăn kinh tế và lạm phát. Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, ngân sách năm 2023 sẽ thấp hơn mức 679,5 nghìn tỷ won (520 tỷ USD) của năm nay. Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch xem xét lại lương của giới chức chính phủ.

Viện Thống kê Tây Ban Nha (INE) cho biết, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 7/2022 ở mức 10,8%, mức cao nhất trong 38 năm qua. Chính phủ Tây Ban Nha đang nỗ lực khắc phục ảnh hưởng của chi phí năng lượng tăng cao, bằng cách giảm thuế giá trị gia tăng đối với hóa đơn năng lượng và đạt được một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), theo đó cho phép nước này hạn chế ảnh hưởng của giá khí đốt đối với chi phí điện.

Theo Viện Thống kê quốc gia Bồ Đào Nha (NSI), trong tháng 7, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này tăng lên 9,1%, mức cao nhất kể từ tháng 11/1992. Tỷ lệ lạm phát cơ bản hằng năm cũng tăng lên 6,2%. Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ Bồ Đào Nha đã chi hơn 1,68 tỷ euro cho các biện pháp kiềm chế lạm phát, được sử dụng cho các biện pháp tài chính nhằm kiểm soát giá tăng cao.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Mexico (Banxico) tiếp tục nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm phần trăm lên 8,5%, mức cao nhất kể từ khi áp dụng chính sách tiền tệ dựa trên mục tiêu lạm phát vào năm 2008. Đây là lần thứ 10 liên tiếp Banxico nâng lãi suất cơ bản, với mục tiêu dài hạn là kiềm chế lạm phát quanh mức 3%.

Tại Nhật Bản, Chính phủ nước này hướng tới mục tiêu soạn thảo gói biện pháp vào đầu tháng 9 tới, với ngân sách nằm trong khoản 4.700 tỷ yen (35 tỷ USD) dự trữ quốc gia hiện nay. Thủ tướng Nhật Bản cũng yêu cầu chặn đà tăng giá lúa mì nhập khẩu.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/no-luc-kiem-che-lam-phat-khap-the-gioi-663024.html