Nỗ lực kiểm soát và chấm dứt bệnh lao

Những năm qua, việc quản lý, cấp phát thuốc, điều trị cho bệnh nhân lao tại tuyến y tế cơ sở đã được ngành Y tế tỉnh triển khai và duy trì tại 100% huyện, thành phố. Từ đó, góp phần ngăn chặn, hạn chế bệnh lây lan trong cộng đồng.

Bác sỹ Lưu Văn Bính, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết, bệnh lao là căn bệnh chủ yếu gây ra viêm phổi do trực khuẩn lao. Bệnh có triệu chứng lâm sàng là ho kéo dài trên 2 tuần, khó thở, nhiều đờm, ho ra máu, đau ngực, sút cân nhanh... Bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian.

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bệnh viện đã ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm đờm bằng máy Gene Xpert, cho phép xác định nhanh vi khuẩn lao trong vòng 2 giờ, độ chính xác đạt hơn 99%. Đồng thời, đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như máy chụp CT16 dãy, máy siêu âm 4D, hệ thống máy mornitơ (máy theo dõi bệnh nhân) được lắp đặt ở mỗi giường bệnh… Bên cạnh đó, bệnh viện thực hiện nhiều kỹ thuật khó như: Mở màng phổi tối thiểu dẫn lưu dịch, khí màng phổi bằng Troca… Nhờ vậy, nhiều ca bệnh nặng trước đây phải chuyển tuyến trên nay đã được điều trị tại tỉnh, giảm chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh và gia đình.

Cán bộ y tế Bệnh viện Phổi tỉnh hướng dẫn cho người bệnh về cách phòng, chống bệnh lao.

Cán bộ y tế Bệnh viện Phổi tỉnh hướng dẫn cho người bệnh về cách phòng, chống bệnh lao.

Ông Hoàng Xuân Mậu, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) đang điều trị lao phổi tại Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết, bác sỹ kết luận ông bị lao phổi âm tính, có vết tổn thương ở phổi phải điều trị liên tục trong 6 tháng. Ông được các y, bác sỹ hướng dẫn ông uống thuốc đều đặn trong quá trình điều trị nên sức khỏe đang dần ổn định.

Hiện nay, mạng lưới phòng, chống lao được tăng cường từ tỉnh đến cơ sở với một bệnh viện tuyến tỉnh, 7 trung tâm Y tế huyện, thành phố có phòng chuyên môn. 100% xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách và cộng tác viên, qua đó góp phần ngăn chặn, hạn chế bệnh lây lan trong cộng đồng. Năm 2019, ngành Y tế tỉnh đã khám bệnh lao cho trên 21.000 lượt người; lấy gần 11.400 mẫu đờm xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao; phát hiện 154 bệnh nhân mắc lao mới có AFB (+), nâng tổng số bệnh nhân được quản lý, điều trị lao lên 393 người. Tỷ lệ bệnh nhân lao của tỉnh được điều trị khỏi luôn duy trì trên 90%.

Bác sỹ Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nói, để đạt được mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030, toàn tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động nhằm kiện toàn, củng cố mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, tập trung mũi nhọn về công tác khám, sàng lọc chẩn đoán, thu dung và quản lý điều trị. Mặt khác, tăng cường hơn nữa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu rõ hơn về bệnh lao nhằm chủ động phòng bệnh và ngăn chặn nguồn lây ra cộng đồng.

Bài, ảnh: Dương Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/no-luc-kiem-soat-va-cham-dut-benh-lao-130160.html