Nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm

Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại đây là tín hiệu tích cực.

GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12%, là mức tăng thấp nhất trong 1 thập kỷ qua nhưng bối cảnh “bão COVID-19”, nền kinh tế duy trì được tăng trưởng dương là một một kết quả rất đáng mừng.

Đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều đó cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, việc kiểm soát thành công dịch COVID-19 sau lần bùng phát trở lại vào tháng 7 và những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế 9 tháng đầu năm, tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế quý IV cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021. Theo đó, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định tiếp tục được duy trì; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần; mặt bằng lãi suất giảm; tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP; Việt Nam đang có cơ hội lớn để hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu; cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi số cũng đang rộng mở; các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo cũng có bước tiến mạnh mẽ, vững chắc… Do vậy, có thể nói đây là “thời điểm quan trọng, mang tính bước ngoặt” đòi hỏi Việt Nam phải chủ động đưa ra đường hướng chiến lược, các quyết sách cho tương lai phát triển của đất nước.

Cần có cơ chế, giải pháp, chính sách mạnh mẽ, quyết liệt để tạo sức bật cho cả nền kinh tế.

Cần có cơ chế, giải pháp, chính sách mạnh mẽ, quyết liệt để tạo sức bật cho cả nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ, quyết liệt để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích cả ba động lực tăng trưởng chủ yếu gồm: đầu tư, XK và tiêu dùng để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Như vậy, đầu tư, XK và tiêu dùng sẽ là “kiềng ba chân”, là động lực chính của kinh tế 2020.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, cần phải cải cách để kích hoạt các nguồn lực, đưa các nguồn lực đến những dự án, nhà đầu tư tốt nhất sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những tháng cuối năm và năm 2021. Đặc biệt, khu vực tư nhân cũng phát triển được lành mạnh vì người giỏi kinh doanh, có ý tưởng tốt sẽ tiếp cận được nguồn lực, cơ hội, chứ không phải là người “chạy giỏi”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tin rằng, mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt mức 2-3% là khả thi nhờ những yếu tố: kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi dần sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa; Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai có thể giúp Việt Nam khôi phục hoạt động XK vào thị trường châu Âu - vốn là thị trường truyền thống lớn của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận, kinh tế thế giới năm nay được dự báo sẽ suy giảm từ 4-5%, trong khi đó kinh tế Việt Nam được dự báo là có thể tăng trưởng dương ở mức khoảng 2%, khả năng tăng trưởng dương của nền kinh tế thể hiện lên chỉ số XK của Việt Nam trong 9 tháng qua.

Để kinh tế -xã hội thời gian tới đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tập trung các giải pháp.

Có các gói hỗ trợ kịp thời đối với cộng đồng DN và người dân. Vận động người dân ủng hộ DN sản xuất và tiêu thụ hàng Việt. Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, điều chỉnh phương án cơ cấu sản xuất, dự đoán nhu cầu thị trường. Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, hài hòa với các chính sách khác.

Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế, xã hội. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings (S&P) nhận định, Việt Nam có khả năng sẽ là quốc gia phục hồi kinh tế tốt thứ hai ở châu Á - Thái Bình Dương.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/no-luc-lay-lai-da-tang-truong-trong-nhung-thang-cuoi-nam-614247/