Nỗ lực loại trừ bệnh phong

Năm 2000, Vĩnh Phúc được công nhận đã loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh. Tiếp tục hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng, các địa phương tích cực, chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh phong, phấn đấu đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện và duy trì các tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện vào năm 2025.

Khám sức khỏe định kỳ giúp chẩn đoán và phát hiện được bệnh sớm, trong đó bao gồm các triệu chứng của bệnh phong. (Ảnh chụp tại Trạm Y tế xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên). Ảnh: Dương Chung

Khám sức khỏe định kỳ giúp chẩn đoán và phát hiện được bệnh sớm, trong đó bao gồm các triệu chứng của bệnh phong. (Ảnh chụp tại Trạm Y tế xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên). Ảnh: Dương Chung

Bệnh phong là bệnh nhiễm trùng mãn tính, do trực khuẩn Mycobacterium Leprae gây nên. Bệnh có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan trong cơ thể, song hay gặp nhất là da và thần kinh ngoại biên. Mặc dù, bệnh phong không gây chết người, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ để lại di chứng khuyết tật trầm trọng cho người bệnh và lây lan ra cộng đồng.

Chương trình loại trừ bệnh phong được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triển khai từ năm 1982. Đến năm 1995, chương trình phòng, chống bệnh phong đã trở thành chương trình mục tiêu y tế quốc gia tại Việt Nam và được duy trì cho đến nay.

Với việc áp dụng phương pháp đa hóa trị liệu thành công, tình hình dịch tễ bệnh phong ở Việt Nam đã thay đổi một cách đáng kể, hàng trăm nghìn bệnh nhân đã được chữa khỏi.

Tỷ lệ lưu hành giảm từ 6,78/10.000 dân (năm 1983) xuống còn 0,04/10.000 dân (năm 2009), tuy nhiên, ở một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tỷ lệ này còn cao. Tính đến hết năm 2015, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được công nhận loại trừ bệnh phong cấp tỉnh.

Vĩnh Phúc được Bộ Y tế công nhận là tỉnh đạt xuất sắc 4 tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh vào năm 2000 theo tiêu chuẩn của WHO. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh không phát hiện bệnh nhân phong mới, tỷ lệ lưu hành 0/10.000 dân.

Nhờ được đa hóa trị liệu, đến nay, tất cả 29 bệnh nhân phong đều đã được điều trị khỏi, sống hòa nhập với cộng đồng ở 8/9 huyện, thành phố và 20/136 xã, phường, thị trấn. Tất cả các bệnh nhân đều được mạng lưới cán bộ y tế cơ sở giám sát, hướng dẫn chăm sóc và phòng, chống tàn tật, phục hồi chức năng.

Để đạt được kết quả đó, hằng năm tỉnh luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, tập trung vào những xã trọng tâm, trọng điểm có nguy cơ cao.

Qua đó, nhận thức về bệnh phong trong cộng đồng được nâng lên rõ rệt; người dân đã tự giác đến cơ sở y tế khám khi thấy có triệu chứng của bệnh phong; người bệnh và gia đình được hòa nhập với cộng đồng, không còn sự phân biệt, kỳ thị, đối xử.

Tuy nhiên, công tác loại trừ bệnh phong còn gặp một số khăn như mạng lưới cán bộ phụ trách chương trình từ tuyến tỉnh đến tuyến xã làm việc kiêm nhiệm, luôn có sự thay đổi, dẫn đến kinh nghiệm và kiến thức về công tác phòng, chống bệnh phong bị hạn chế; công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tại một số nơi chưa thực sự kịp thời, hiệu quả do điều kiện địa lý, phân bố dân cư và nguồn tài chính; đa số các hoạt động thuộc chương trình phòng, chống bệnh phong đều lồng ghép với các hoạt động khác nên còn bị động; nhiều năm qua, trên địa tỉnh không phát hiện người mắc bệnh phong mới nên người dân cũng có phần chủ quan, lơ là…

Với quyết tâm loại trừ bệnh phong trên địa bàn, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống và loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện, giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu chung của kế hoạch là triển khai thực hiện chủ động, tích cực và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh phong phù hợp, hiệu quả; phấn đấu đến năm 2025, đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong và duy trì các tiêu chí quy mô cấp huyện theo Thông tư số 17/2013 ngày 6/6/2013 của Bộ Y tế.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là hướng đến 100% người dân được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh phong; 100% người có yếu tố nguy cơ được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán bệnh phong kịp thời thông qua các cơ sở y tế công lập và tư nhân; 100% bệnh nhân phong được điều trị, quản lý, chăm sóc tàn tật phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng; duy trì, củng cố hệ thống giám sát dịch tễ bệnh phong trên phạm vi toàn tỉnh; 100% huyện, thành phố đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong vào năm 2025 và củng cố, duy trì các yếu tố bền vững ngăn chặn bệnh phong quay trở lại.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, các cấp, ngành chức năng của tỉnh sẽ tiến hành đồng bộ các giải pháp, đồng thời rà soát theo 4 nhóm của bảng điểm kiểm tra các tiêu chí công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện quy định tại Thông tư 17 của Bộ Y tế; từng bước hoàn thiện các tiêu chí theo bảng điểm tại các huyện, thành phố có bệnh nhân phong. Các huyện, thành phố có bệnh nhân phong tự rà soát chấm điểm theo bảng điểm và đề xuất bổ sung các tiêu chí còn chưa đạt...

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/suc-khoe-doi-song/78300/no-luc-loai-tru-benh-phong.html