Nỗ lực mang 'điều ước' đến học trò vùng khó

Là người dân tộc Khmer có hơn 8 năm gắn bó với học sinh vùng khó, cô Thạch Thị Bút Pha, giáo viên Trường Tiểu học Tuân Tức, xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) luôn đồng cảm, chia sẻ với học trò.

Cô Thạch Thị Bút Pha cùng HS thăm khu di tích lịch sử.

Cô Thạch Thị Bút Pha cùng HS thăm khu di tích lịch sử.

Vượt khó cùng học trò bám lớp

Sau khi tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 tại Hà Nội, cô Thạch Thị Bút Pha càng có thêm động lực để cống hiến. Với vai trò Đại sứ chương trình “Điều ước cho em”, cô mong muốn học trò vùng còn lắm khó khăn nhận được nhiều sự chia sẻ hơn từ cộng đồng, xã hội.

Hơn 8 năm gắn bó với ngành Giáo dục tại vùng đặc biệt khó khăn, cô Thạch Thị Bút Pha từng vượt qua nhiều khó khăn, cùng học trò bám trường, bám lớp. “Hơn 8 năm gắn bó với nghề dạy học là từng ấy năm tôi cùng học trò vượt qua bao khó khăn, vất vả để dạy học, đem ánh sáng tri thức về vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tôi rất vinh dự khi là giáo viên của tỉnh Sóc Trăng tham gia Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 tại Hà Nội. Sau Chương trình, tôi thấy bản thân mình phải phấn đấu nhiều hơn, đặc biệt là kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và xã hội chung tay giúp đỡ học sinh vùng khó.

Cô Bút Pha kể: Quê ở ấp Sóc Bưng, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng, cô được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Tuân Tức. Trường có 2 điểm (điểm chính nằm ở ấp Trung Thành, xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị và 1 điểm lẻ nằm ở ấp Trung Thống, xã Tuân Tức). Từ nhà đến trường để công tác gần 18 cây số, vì thế, buổi trưa cô phải ở nhà của cô Lâm Thị Kim Dung, đồng nghiệp dạy chung trường, đến chiều khi tan học cô mới về nhà.

Cô Thạch Thị Bút Pha cùng học sinh.

Thấu hiểu từng hoàn cảnh học trò

Dạy học vùng khó, cô tìm hiểu từng hoàn cảnh của học trò. Có nhiều học sinh khó khăn, cha mẹ đi làm thuê xa phải ở với ông bà. Con đường đến trường bằng ghe xuồng khoảng 6km nhưng các em luôn cố gắng. Điều đó khiến cô thêm gắn bó, yêu thương và cống hiến cho học trò nhiều hơn.

“Trường tôi thuộc vùng khó khăn của huyện Thạnh Trị. Nơi đây người dân chủ yếu là làm ruộng rẫy, phần lớn cha mẹ đi làm ăn xa gửi con ở với ông bà để đi học, có nhiều em cũng mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ. Không chỉ thiếu thốn về vật chất, các em còn thiếu đi tình thương của cha mẹ... Chính vì vậy trong quá trình học tập các em cũng gặp nhiều khó khăn. Học sinh ở điểm lẻ thì càng khó hơn vì khu vệ sinh còn thiếu thốn, chật hẹp”, cô Bút Pha chia sẻ.

Trường của cô Bút Pha cũng như các điểm trường khác còn thiếu về cơ sở vật chất để hoạt động đội như trống đội, trang phục nghi thức đội, âm thanh… Với vai trò là Đại sứ chương trình “Điều ước cho em”, cô Bút Pha mong muốn các cấp, ngành và toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần cho học trò và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đó có thể là điều kiện điện, nước, sóng điện thoại; là bữa ăn đủ dinh dưỡng, nhà vệ sinh sạch sẽ; là giáo cụ, đồ dùng học tập, nhất là giáo cụ dạy tiếng dân tộc.

“Cùng 63 thầy cô giáo tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và trở thành những đại sứ đầu tiên của phong trào “5 điều ước”, chúng tôi nỗ lực lan tỏa tinh thần sẻ chia đến mọi miền trên đất nước, để cùng hướng về giáo dục vùng khó, đầu tư phát triển giáo dục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Chương trình “Điều ước cho em” sẽ giúp những điều ước của thầy và trò thành hiện thực; giúp thầy, trò thêm gắn bó với trường lớp và sự nghiệp GD-ĐT…”, cô Bút Pha tâm sự.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/no-luc-mang-dieu-uoc-den-hoc-tro-vung-kho-kJaydLaGR.html