Nỗ lực mỗi ngày để cống hiến

Bước vào tuổi 68, Hương Dung vinh dự và xúc động, tự hào khi được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND). Danh hiệu cao quý này kịp thời ghi nhận những nỗ lực cống hiến của chị trên con đường hoạt động nghệ thuật, với nhiều vai diễn để đời. Hương Dung bảo rằng, với mỗi người nghệ sĩ, sau khi trải qua quá trình khổ luyện và được ghi nhận, tự bản thân họ sẽ nỗ lực hơn mỗi ngày để hoàn thiện mình, tiếp tục cống hiến cho khán giả.

Một nghệ sĩ đa năng, đa tài

Hương Dung bảo rằng, do đặc thù công tác trong ngành Công an, chị không chỉ phục vụ công chúng nói chung, mà còn thường đến các vùng biên giới, hải đảo, phục vụ cho các trại giam. Chị chia sẻ: "Hôm bước lên sân khấu Nhà hát Lớn nhận danh hiệu, tôi đã rưng rưng, hồi hộp. Cảm giác đó giống như mỗi lần bước lên sân khấu biểu diễn. Thật sự, với mỗi lần diễn, bao giờ trong tôi cũng dồn dập những cảm xúc rất khó diễn tả. Tôi thường dặn lòng phải làm thật tốt. Điều thật mừng là, ngay sau khi được nhận danh hiệu cao quý, Bộ Công an đã tổ chức buổi gặp mặt, tôn vinh những nghệ sĩ trong lực lượng CAND được tặng danh hiệu NSƯT, NSND đợt này. Tôi muốn cảm ơn lãnh đạo Đoàn Kịch của Nhà hát CAND, lãnh đạo Bộ Công an, cảm ơn khán giả là người đã nhiệt tình ủng hộ cho Hương Dung có ngày hôm nay".

Nghệ sĩ Hương Dung vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Nghệ sĩ Hương Dung vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Về sự nghiệp làm phim của nghệ sĩ Hương Dung, chị được khán giả nhớ đến với nhiều vai trong các vở kịch, phim truyền hình, phim nhựa... Vai diễn ấn tượng của chị đầu tiên là trong phim "Săn bắt cướp" mà chị tham gia cùng nhiều diễn viên nổi tiếng lúc bấy giờ như Lê Khanh, Thương Tín, Trọng Trinh... Trong phim, chị đóng vai người tình của tướng cướp Bạch Hải Đường (Thương Tín thủ vai). Sau thành công, tên tuổi Hương Dung lọt vào mắt xanh của nhiều đạo diễn truyền hình bởi nét đẹp quý phái. Có thể kể đến các phim: "Của để dành", "Chạy án", "Chủ tịch tỉnh", "Cầu vồng tình yêu", "Người phán xử"... Chị thường xuyên được giao vai người phụ nữ quyền lực, sắc sảo trong nhiều bộ phim. Khán giả rất ấn tượng với vai diễn phu nhân thứ trưởng Cao Đức Cảm (nghệ sĩ Dũng Nhi đóng) trong bộ phim "Chạy án". Đó là một nhân vật điển hình, đem lại thành công lớn cho chị. Trong phim, bà vợ đã lợi dụng quyền hạn của chồng để "đi đêm" với các doanh nghiệp, nhận hối lộ, quà biếu... Dù chồng là một người liêm khiết nhưng chính vì những thủ đoạn tinh vi của vợ, ông đã bị đưa vào tròng và cuối cùng mất tất cả. Hương Dung chia sẻ: "Từ vai bà Dung trong bộ phim "Chạy án", khán giả nghĩ tôi phù hợp các vai hơi ghê gớm, những người phụ nữ quyền lực, có sự áp đảo với gia đình. Vì thế, sau này khi các đạo diễn liên hệ cho những vai tương tự, song tôi không dám nhận vì sợ các vai bị lặp lại".

Gần chục năm trước, Hương Dung vào vai mẹ nuôi của Lê Thành trong phim "Người phán xử" cũng dậy sóng trên truyền hình. Dù chỉ là một nhân vật phụ nhưng Hương Dung đã để lại ấn tượng đẹp về hình tượng người phụ nữ hết lòng vì chồng con, yêu thương con nuôi như con đẻ. Trong bộ phim hấp dẫn khác "Cầu vồng tình yêu" nữ nghệ sĩ cũng đều vào vai người phụ nữ trung niên đài các, quý phái.

Qua những vai diễn ấy, các nhà chuyên môn cho rằng Hương Dung là một diễn viên đa năng, có thể hóa thân một cách tài tình vào cả vai chính diện và phản diện. Hương Dung tâm sự: "Vai diễn phản diện thường bị ghét nhưng lại là những vai được quan tâm và có nhiều đất diễn. Khi diễn những vai phản diện, tôi thường phải đầu tư nhiều. Như, để diễn được cảnh bà Dung say mê đi hầu đồng trong phim "Chạy án", tôi đã phải mua cả đĩa có các giá đồng về tham khảo để có thể diễn theo. Nhưng, tôi cũng rất vui, vì mỗi khi tôi ra đường, khán giả nhận ra thường chào là Mẹ của Cao Thanh Lâm. Đó quả là một vai diễn, một nhân vật đã đi vào đời sống".

Đường đi gập ghềnh

Con đường đến với nghệ thuật của Hương Dung cũng nhiều trắc trở. Từ nhỏ chị đã có ước mơ hoạt động sân khấu nhưng không được gia đình ủng hộ. Năm 13 tuổi chị giấu bố mẹ đi thi tuyển diễn viên và trúng vào Khoa Diễn viên, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Sau đó bố mẹ biết, không cho học, chị đành ngậm ngùi ở nhà học tiếp văn hóa. Năm 1975, chị lên đường nhập ngũ, trở thành lính thông tin của Trường Quân chính, trực thuộc Quân khu 3. Thời gian trong quân ngũ, nữ nghệ sĩ tích cực tham gia các phong trào văn nghệ và nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở Quân khu 3. Sau đó chị thi và trúng tuyển vào Đoàn văn công Quân khu 3, tuy nhiên vì một số lý do, chị không đi diễn. Hương Dung tiếp tục ôn thi văn hóa và vào học tại Trường Trung cấp Tài chính kế toán số 1 (Nho Quan, Ninh Bình). Những tưởng, chị sẽ gắn bó với ngành tài chính, nhưng rồi chị lại nghe theo tiếng gọi của nghệ thuật, về đầu quân cho Đoàn văn công Quân khu 3, tiếp đó, chuyển công tác sang Đoàn Kịch Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an.

Được hoạt động trong môi trường nghệ thuật năng động, Hương Dung như cá gặp nước, chị cống hiến hết mình cho công việc, cho vai diễn. Năm 1985, khi tham gia diễn vai nữ ký giả trong vở "Nữ ký giả", chị giành Huy chương Vàng. Với vở diễn này, Đoàn Nghệ thuật CAND đã có hàng trăm đêm diễn phục vụ khán giả Thủ đô và đồng bào, cán bộ, chiến sĩ công an cả nước, được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Hương Dung còn nhớ một kỷ niệm, có lần đoàn đem vở "Nữ ký giả" đi diễn ở Bắc Kạn. Trong cái lạnh giá thấu xương mà vai nữ ký giả của chị chỉ được mặc áo dài mỏng manh nên khi đêm diễn kết thúc, Hương Dung bị ngất xỉu. Vai diễn ấy cũng chính là vai diễn để đời của chị trên sân khấu kịch, giúp chị khẳng định chỗ đứng trong đoàn và tên tuổi trong giới kịch nghệ. Từ đó trở đi, các vở diễn mà Đoàn Nghệ thuật CAND dàn dựng, hầu hết chị vào vai nữ chính.

Hương Dung nhớ mãi một kỷ niệm với cố nghệ sĩ Nguyễn Đình Nghi khi ông góp ý về vai diễn của chị trước đêm công diễn chỉ vài ngày. Ông nói: "Hương Dung ơi, tiếng nói em đã đẹp rồi thì không cần diễn tiếng nói nữa. Cái miệng đã xinh rồi, không cần diễn cái miệng nữa. Mặc áo dài đã đẹp rồi thì đừng diễn cái lưng nữa...". Đó là lời góp ý rất thẳng thắn, chân thành của một bậc đàn anh và điều này đã giúp rất nhiều để chị nhập vai diễn một cách tự tin.

Tại Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc lần thứ hai, sau khi Hương Dung diễn vở "Giọt tình cay đắng", nhiều bạn diễn đã gặp chị để bày tỏ sự yêu mến. Chị nói tròn vành rõ chữ, thậm chí, khi chị nói chẳng cần micro nhưng nghe vẫn rõ ràng, đầy sức thuyết phục. Đó chính là một lợi thế để sau này, khi lấn sân sang truyền hình, Hương Dung được nhiều đạo diễn tin cậy giao cho việc làm đạo diễn hậu kỳ, tổ chức lồng tiếng. Ngoài nổi tiếng là một diễn viên, chị còn là một nghệ sĩ đa năng, chị kiêm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như phó đạo diễn, tổ chức sản xuất phim, giảng dạy diễn xuất, điều hành nhóm lồng tiếng... Đến nay, Hương Dung không nhớ hết những bộ phim mình đã tham gia lồng tiếng. Người xem nhớ nhân vật, nhớ tên diễn viên nhưng ít nhớ tới người lồng tiếng cho diễn viên Thu An trong "Mẹ chồng tôi", cho nghệ sĩ Thanh Quý trong phim "Mùa lá rụng trong vườn"... Đi đâu chị cũng chú ý đến chất giọng, cách nói của người vùng ấy. Đó là cách chị học để có thể làm tốt nhất công việc của mình.

Hương Dung bảo, chị thật may mắn là có người chồng cùng nghề. Anh là diễn viên của Đoàn văn công Quân đội, yêu và hiểu chị, hậu thuẫn cho chị để chị yên tâm tham gia những dự án phim xa nhà. Vợ chồng nghệ sĩ có ba người con, cả ba tham gia đóng phim từ khi còn nhỏ. Thời gian gần đây, Hương Dung ít đóng phim bởi chị tự thấy mình có tuổi, nếu đi làm phim thường phải theo đoàn nhiều ngày, mà chị muốn dành nhiều thời gian cho gia đình. Hương Dung đang có cuộc sống bình yên bên gia đình, thi thoảng chị đi dạy ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, dạy online kỹ năng mềm cho các bạn trẻ.

NSND Hương Dung sinh năm 1956, quê gốc ở Thái Bình nhưng gia đình sinh sống ở Hà Nội. Ở lĩnh vực sân khấu, chị từng đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1985 với vở "Nữ ký giả", được phong NSƯT năm 2010. Các vở sau đó "Tôi đi tìm tôi", "Bài ca trên tuyết", "Ráng chiều" cũng đoạt giải thưởng của các hội diễn. Chị kết hợp cùng Hội Sân khấu Việt Nam dựng nhiều vở diễn, trong đó, vở "Nắng quái chiều hôm" (tác giả Nguyễn Đăng Chương) chỉ có 7 diễn viên nhưng có tới 5 diễn viên được huy chương (2 vàng, 3 bạc).

Chuyển sang lĩnh vực điện ảnh, Hương Dung tham gia các bộ phim đầu tay như "Từ một chuyến tàu", "Vùng rừng sôi động", "Mối tình sau song sắt", "Săn bắt cướp" (SBC), "Tráng sĩ Bồ Đề"... Sau đó, chị thường xuyên được giao vai người phụ nữ quyền lực, sắc sảo trong nhiều bộ phim như: "Chạy án", "Của để dành", "Chủ tịch tỉnh", "Cầu vồng tình yêu", "Người phán xử"...

Phú Xuân

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/no-luc-moi-ngay-de-cong-hien-i739807/