Nỗ lực nâng cao đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt trong thời gian qua.

Theo Ủy ban Dân tộc, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong đó có 15 đề án, chính sách trực tiếp, có tính chất đặc thù như: Quyết định số 2085/QĐ-TTg phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2017 - 2020, Quyết định 2086/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025.

Hay, Quyết định 1573/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định số 755/QĐ-TTg phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn… Lũy kế đến nay còn 118 văn bản, trong đó có 54 đề án, chính sách còn hiệu lực, trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo xu hướng chung cơ cấu kinh tế của các tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, thế mạnh của các tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN chủ yếu vẫn là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Trong đó, chủ yếu là chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp, cây dược liệu và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Công nghiệp chủ yếu là chế biến nông, lâm sản; khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện. Phát triển du lịch chủ yếu là du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS.

Các tỉnh vùng đồng bào DTTS&MN có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,4%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 8,1%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,3 %/năm. Tốc độ tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ, xuất phát điểm thấp nên tăng tương đối thấp, chất lượng tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư. Một số địa phương đã bước đầu phát triển các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao như: cà phê, chè, cao su , điều, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ…

Bên cạnh đó, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS&MN như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135 (một trong các chương trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam), Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long...

Trong giai đoạn 2016-2020, chỉ tính riêng Chương trình 135, Chính phủ đã đầu tư hàng chục ngàn công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt, văn hóa - thông tin, y tế, giáo dục đào tạo, giao thông... cho vùng DTTS&MN. Hiện nay đã có 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100 % xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Tuy nhiên, nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn vẫn còn rất lớn.

Đáng chú ý, về giáo dục - đào tạo: Hiện nay nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS&MN như: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, Nghị định 57/2017/NĐ-CP chính sách ưu tiên tuyển sinh, hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh quy định viên DTTS rất ít người.

Các chương trình, dự án, chính sách của Nhà nước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Mạng lưới trường mầm non, trường phổ thông ở vùng đồng bào DTTS&MN tiếp tục được củng cố, mở rộng, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc; chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú được nâng lên một bước.

Hiện nay, 100% xã vùng đồng bào DTT&MN có trường THCS, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường mầm non. Cả nước có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú; 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú; 5 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc. Đã có 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển đi học đại học; học sinh là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập. Có thể thấy, chính sách giáo dục cho con em đồng bào DTTS đã và đang phát huy tác dụng, huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường, học sinh DTTS được học tiếng phổ thông, học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật.

Đặc biệt, Chính phủ rất quan tâm đến chính sách đối với đồng bào DTTS rất ít người thông qua việc xây dựng và ban hành 2 chính sách giàu tính nhân văn và thiết thực: Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025 và Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người. Theo đó, trẻ em, học sinh DTTS rất ít người được ưu tiên vào học các trường mầm non, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; tốt nghiệp trung học phổ thông được xét tuyển vào các trường dự bị đại học, cơ sở đào tạo, cao đẳng, đại học công lập.

Ngoài ra, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cũng được Chính phủ quan tâm. Thông qua nhiều chương trình, chính sách cụ thể trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã đầu tư xây dựng 433 trạm y tế xã vùng đồng bào DTTTS&MN; cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho 20,7 triệu người DTTS; tăng cường công tác y tế dự phòng và bố trí bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã đạt 69,2%… Cùng với đó, lĩnh vực thông tin, truyền thông vùng đồng bào DTTS&MN đã có bước phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân. Hiện nay, mạng điện thoại di động đã phủ sóng khắp địa bàn miền núi; có hơn 16.000 điểm giao dịch bưu chính viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống…

Những chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135... trong những năm qua đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đáng kể ở vùng đồng bào DTTS&MN. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của các địa phương có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên, đời sống không ngừng cải thiện, hộ nghèo giảm khá nhanh.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/no-luc-nang-cao-doi-song-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-152187.html