Nỗ lực nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của người làm báo địa phương

Trong những năm qua, hoạt động báo chí - truyền thông trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là sự biến động của nền kinh tế thế giới tác động tới nước ta. Tính định hướng, tính dân tộc, tính nhân văn, chức năng truyền thông và giá trị phục vụ cho quảng đại quần chúng của những cơ quan báo chí 'chính thống' đang có nhiều cơ hội phát huy nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức trong thực trạng 'thế giới phẳng' về thông tin. Bên cạnh đó, còn có nhiều vấn đề: một số trang mạng xã hội, báo mạng điện tử của nhiều nơi chạy theo thông tin giật gân, câu khách (câu view, câu like). Việc đăng tải thông tin, hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục, thậm chí có xu hướng chống đối xã hội ngày càng tràn lan trên các trang truyền thông xã hội.

Trong khi đó, đại đa số công chúng khó có thể phân biệt được tính chính xác, giá trị chân thực của các hình thức truyền thông trên mạng internet, nhập nhằng giữa các loại hình, thậm chí nhầm lẫn một số trang thông tin điện tử trực tuyến là “báo mạng điện tử”. Đồng thời, tình trạng đăng tin “giật gân”, “hot” mà thiếu kiểm chứng độ chính xác, khách quan, để “câu view, câu like” hoặc phục vụ mục đích cá nhân, vụ lợi đây đó cũng có xuất hiện trong những tin bài viết về từng địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý và có giải pháp xử lý rất khó thực hiện khi tác giả không phải là hội viên đang sinh hoạt tại các cơ sở hội trực thuộc hội nhà báo địa phương. Bên cạnh đó, nguồn tài chính khó khăn đối với các cơ quan báo chí địa phương; trình độ và trang bị kỹ thuật, tốc độ truy cập và cập nhật thông tin còn chậm, an ninh mạng chưa cao; trình độ chính trị và chuyên môn của đội ngũ làm báo ở tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế...

Đặc biệt, Sóc Trăng là một trong những tỉnh nghèo; xã hội có nhiều chuyển biến, phát sinh không ít vấn đề đáng quan tâm; các thế lực thù địch tiếp tục dùng thủ đoạn lợi dụng tôn giáo, dân tộc để phá hoại khối đoàn kết các dân tộc trong tỉnh; công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, nhu cầu thông tin của người dân càng tăng cao... Tất cả những yếu tố đó đã ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến hoạt động báo chí và truyền thông cả nước nói chung, của Sóc Trăng nói riêng. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 147 hội viên sinh hoạt ở 7 chi hội, câu lạc bộ nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trong đó có khoảng 80 biên tập viên, phóng viên được cấp thẻ nhà báo. Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh có Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng, Tạp chí Văn nghệ Sóc Trăng. Mạng lưới truyền thông địa phương của Sóc Trăng còn có Website Đảng bộ tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng; hệ thống các đài truyền thanh cấp huyện ở 11 huyện, thị xã, thành phố và 32 cổng thông tin điện tử thành phần của các ngành, địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, còn có Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Sóc Trăng, phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân tại Sóc Trăng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Cần Thơ, cùng 12 phóng viên của các báo, đài ngành Trung ương, địa phương bạn đăng ký hoạt động trên địa bàn.

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 147 hội viên sinh hoạt ở 7 chi hội, câu lạc bộ nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGỌC HẢI

Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 147 hội viên sinh hoạt ở 7 chi hội, câu lạc bộ nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: NGỌC HẢI

Ngay sau khi Chỉ thị số 120/CT-HNB của Hội Nhà báo Việt Nam về tổ chức học tập, thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được ban hành, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã sớm xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và vận động toàn thể hội viên nhà báo trong tỉnh thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đến khi Hội Nhà báo chính thức công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam vào cuối năm 2018, Thường trực Tỉnh hội đã lập tức đưa vào triển khai đến từng hội viên thông qua lồng ghép các nội dung chủ điểm vào trao đổi, thảo luận ở các buổi sinh hoạt chi hội, các đợt sinh hoạt tư tưởng về chủ đề học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng.

Thạc sĩ Tạ Đình Nghĩa - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Từng Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh hội được phân công phối hợp với các cơ quan báo chí, trực tiếp chỉ đạo các chi hội chủ động triển khai bằng nhiều hình thức như: tổ chức học tập tập trung, lồng ghép các nội dung chủ điểm vào trao đổi, thảo luận ở các buổi sinh hoạt chi hội hàng tháng để hội viên nghiên cứu, nắm sâu hơn nội dung chỉ thị, góp phần nâng cao nhận thức của hội viên về vai trò, vị thế, chức năng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống xã hội và hoạt động báo chí. Đặc biệt, lồng ghép với các hoạt động thực hiện Chỉ thị số 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như các đợt sinh hoạt tư tưởng về chủ đề học tập tư tưởng Hồ chí Minh về báo chí cách mạng. Thường trực Tỉnh hội không chỉ tổ chức quán triệt đến từng hội viên về Luật Báo chí 2016, Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam… mà còn có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể cho các chi hội tham mưu cho lãnh đạo và các cấp ủy đảng cơ quan, đơn vị tổ chức các phong trào thi đua nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng cường công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí. Từ đó, hội viên nêu cao ý thức tự rèn luyện về đạo đức, tác phong công tác, nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Đây cũng là tiền đề cơ bản để các cơ quan, đơn vị nỗ lực triển khai công tác tuyên truyền, vận động có định hướng, sát mục tiêu, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đảng bộ các cấp, đưa kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển bền vững.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã thẳng thắn đánh giá: “Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự ủng hộ của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân, các cơ quan báo chí - truyền thông trong tỉnh có những tiến bộ đáng kể, phát triển mạnh về quy mô, loại hình, công nghệ, số lượng, chất lượng có sự cải thiện. Đã đóng góp đáng kể trong hoạt động cung cấp thông tin, tuyên truyền, giúp Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp bổ sung và hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao dân trí, giảm thiểu sự ảnh hưởng các loại văn hóa độc hại, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là lực lượng quan trọng trong việc cổ vũ, tổ chức các phong trào cách mạng của nhân dân tại các địa phương trong tỉnh; tích cực góp phần xây dựng tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Qua sơ kết 5 năm thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng không có hội viên Hội Nhà báo, người làm báo trên địa bàn tỉnh vi phạm đạo đức nghề nghiệp phải xử lý kỷ luật. Ảnh: SONG LÊ

Qua sơ kết 5 năm thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng không có hội viên Hội Nhà báo, người làm báo trên địa bàn tỉnh vi phạm đạo đức nghề nghiệp phải xử lý kỷ luật. Ảnh: SONG LÊ

Quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam còn được Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh đưa vào chương trình kiểm tra hàng năm. Qua các đợt kiểm tra thường kỳ, đột xuất chưa phát hiện trường hợp sai phạm nào phải xem xét kỷ luật. Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp (được thành lập từ năm 2017) cũng chưa lần nào phải họp để xem xét kỷ luật trường hợp nào và cũng chưa tiếp nhận đơn thư tố cáo nào liên quan đến vi phạm của hội viên nhà báo đang hoạt động báo chí tại tỉnh nhà.

Đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, chủ động tham gia công tác hội, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên. Hội đồng Xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng càng phải phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ hội viên, nhà báo trong tỉnh. Các cơ quan báo chí cần không ngừng đổi mới để xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Mỗi người làm báo phải có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp, giữ vững bản thân trước những cám dỗ để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà.

LÂM THANH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/no-luc-nang-cao-y-thuc-dao-duc-nghe-nghiep-trach-nhiem-xa-hoi-cua-nguoi-lam-bao-dia-phuong-57687.html