Nỗ lực ngăn chặn tảo hôn ở Bắc Hà

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành cùng những biện pháp cụ thể, mô hình hay, cách làm hiệu quả, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Bắc Hà đã giảm sau nhiều năm tăng cao.

Một buổi tuyên truyền về tác hại của tảo hôn do Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà tổ chức.
Ảnh: Lê Hiếu

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà, tính từ năm 2015 đến hết quý II/2019, trên địa bàn huyện có 414 cặp vợ chồng vi phạm độ tuổi kết hôn. Trong đó, năm 2015 có 43 trường hợp tảo hôn; năm 2016 có 129 trường hợp; năm 2017 có 122 trường hợp; năm 2018 có 82 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2019 có 38 trường hợp. Ngoài ra, cũng trong giai đoạn này, có 3 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Đáng nói, tảo hôn chủ yếu xảy ra ở cộng đồng người dân tộc Mông (362 trường hợp), chiếm 87% số trường hợp tảo hôn.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Bắc Hà là do phong tục, tập quán trong cộng đồng người dân tộc thiểu số; sự hiểu biết về quy định của pháp luật và hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của người dân còn hạn chế; công tác tuyên truyền, giáo dục tâm lý, sinh lý, sức khỏe sinh sản cho trẻ cũng chưa được chính quyền địa phương và gia đình quan tâm…

Có thể thấy, tình trạng tảo hôn chủ yếu xảy ra trong cộng đồng người dân tộc Mông. Theo phong tục của người Mông, chỉ cần người con gái đồng ý là có thể về nhà chàng trai ở, sau đó nhà trai thông tin cho nhà gái để tiến hành ăn hỏi và nhà gái đồng ý thì cho ở cùng đến lúc đủ tuổi sẽ tổ chức đám cưới. Đối với người Mông, việc bỏ tiền cưới vợ cho con cũng đồng nghĩa với việc nhà có thêm người làm nương, cáng đáng việc gia đình.

Ngoài ra, do tác động, ảnh hưởng của sự phát triển, giới trẻ được tiếp xúc với nhiều thông tin đa dạng trên mạng xã hội, dẫn đến tâm lý lứa tuổi vị thành niên phát triển sớm. Theo nhận định của ngành y tế địa phương, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của trẻ vị thành niên ngày càng sớm, có trường hợp trẻ em gái mang thai ở độ tuổi 12 - 13.

Công tác bài trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực, trình độ của cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở còn yếu và sự can thiệp của chính quyền địa phương với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa kịp thời, quyết liệt. Một số cán bộ, đảng viên chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, tổ chức tảo hôn cho con, như ông Vàng Seo Thề, Bí thư Chi bộ thôn Sán Chư Ván, xã Thải Giàng Phố; ông Vàng Seo Chư, đảng viên Đảng bộ xã Hoàng Thu Phố; các ông Tráng Seo Giáo, Sùng Seo Lờ, Tẩn Seo Chính là đảng viên Đảng bộ xã Tả Van Chư… Do đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tuyên truyền và xử lý vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện.

Trước tình hình đó, huyện Bắc Hà đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Huyện đã thành lập câu lạc bộ mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại 3 xã (Bản Liền, Thải Giàng Phố, Hoàng Thu Phố). Qua đó, đã tổ chức 72 buổi tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền về hậu quả của hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn cho hơn 2 nghìn người; đưa việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào quy ước, hương ước của các thôn, bản tại 3 xã thực hiện mô hình…

Từ 3 xã ban đầu, việc đưa nội dung phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào quy ước, hương ước thôn, bản được nhân rộng ra các xã: Nậm Đét, Lùng Cải, Bản Già, Bản Phố, Cốc Lầu, Nậm Mòn… Điển hình như xã Nậm Mòn đã thành lập được nhóm nòng cốt nắm tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kịp thời báo cáo chính quyền xã; xây dựng quy ước, hương ước có tính răn đe với quy định tất cả các hộ trong thôn tổ chức tảo hôn cho con sẽ bị phạt 1 tạ lợn và 30 lít rượu trắng và hộ nào giúp cưới tảo hôn sẽ bị phạt 5 kg thịt và 5 lít rượu; không bình xét gia đình văn hóa, thôn văn hóa khi có trường hợp tảo hôn… Nhờ đó, việc ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở xã Nậm Mòn rất hiệu quả.

Các tổ chức đoàn thể, mặt trận Tổ quốc, nhà trường cũng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền như hội thảo, nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa… để nâng cao nhận thức cho người dân, thanh thiếu niên, học sinh về hậu quả và tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Bà Dương Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà cho biết: Nhờ những giải pháp, việc xây dựng mô hình điểm mà công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về pháp luật hôn nhân và gia đình được nâng lên, góp phần từng bước xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Đức Phương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/no-luc-ngan-chan-tao-hon-o-bac-ha-z5n20191117092309666.htm