Nỗ lực ngăn chặn tảo hôn ở huyện nghèo Chư Pưh, Gia Lai

Xác định tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài về mặt xã hội, UBND huyện Chư Pưh (Gia Lai) triển khai nhiều giải pháp suốt năm 2024 để ngăn chặn hủ tục này.

Tảo hôn và những hệ lụy

Theo thống kê của phòng Dân tộc huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), năm 2023, trên địa bàn huyện có 67 cặp tảo hôn với tổng cộng 102 trường hợp chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, thuộc 5 xã. Trong đó xã ít nhất là 5 cặp với 6 thanh niên, xã nhiều nhất là 24 cặp với 39 trường hợp.

Trong số 67 cặp tảo hôn, có 35 cặp tảo hôn cả vợ lẫn chồng, 32 cặp tảo hôn chỉ vợ hoặc chồng. Đáng chú ý, tại thời điểm chung sống vợ chồng, có 13 trường hợp 15 tuổi, 4 trường hợp 14 tuổi và 2 trường hợp chỉ mới 13 tuổi.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn trước hết là do phong tục tập quán. Nhiều gia đình ở Chư Pưh xem việc kết hôn sớm là điều bình thường, thậm chí là cần thiết để duy trì dòng dõi, gắn kết gia đình.

 Ngôi nhà của một cặp vợ chồng tảo hôn. Ảnh Trần Hoàn

Ngôi nhà của một cặp vợ chồng tảo hôn. Ảnh Trần Hoàn

Bên cạnh đó, sự hạn chế về nhận thức khiến nhiều thanh thiếu niên và cha mẹ không hiểu được các hậu quả pháp lý, sức khỏe sinh sản và hệ lụy xã hội của việc tảo hôn. Một số gia đình kinh tế khó khăn thường cho con cái xây dựng gia đình sớm để giảm bớt gánh nặng tài chính.

Việc kết hôn khi chưa đủ tuổi trưởng thành gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả cá nhân, gia đình và xã hội. Khi mang thai ở độ tuổi quá sớm, cơ thể chưa phát triển đầy đủ, dẫn đến nguy cơ cao về tai biến sản khoa, sinh non và tử vong thai phụ. Con cái của các cặp vợ chồng tảo hôn sau khi sinh ra thường có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, sức khỏe kém và khó tiếp cận các dịch vụ y tế.

 Nhà không có đàn ông nên dù mới 16 tuổi nhưng K.N. đã phải lấy chồng để gánh vác công việc. Ảnh: Trần Hoàn

Nhà không có đàn ông nên dù mới 16 tuổi nhưng K.N. đã phải lấy chồng để gánh vác công việc. Ảnh: Trần Hoàn

Tảo hôn khiến các em, đặc biệt là trẻ em gái, phải bỏ học sớm, mất đi cơ hội tiếp cận giáo dục và phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Cuộc sống hôn nhân sớm thường đi kèm với gánh nặng kinh tế và trách nhiệm gia đình nặng nề, khiến các em không có cơ hội thực hiện ước mơ và phát triển bản thân.

Đối với xã hội, tảo hôn làm gia tăng vòng quay đói nghèo, bởi các cặp vợ chồng trẻ thường không đủ điều kiện kinh tế và kiến thức để nuôi dạy con cái một cách tốt nhất. Có nguy cơ dẫn đến sự mất cân bằng giới tính và các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình hoặc ly hôn.

Loạt hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn tảo hôn

Nhận thấy tảo hôn là những vấn đề nhức nhối tại địa phương, trong năm 2024, UBND huyện Chư Pưh đã triển khai hàng loạt hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong cộng đồng nhằm đẩy lùi vấn nạn tảo hôn tại địa phương.

Theo đó, thường xuyên tuyên truyền về tác hại của tảo hôn, quy định pháp luật và chăm sóc sức khỏe sinh sản qua hệ thống loa truyền thanh, các phương tiện truyền thông, pano, băng rôn và các buổi sinh hoạt văn hóa, câu lạc bộ.

Phối hợp với các phòng, ban, đơn vị, địa phương đưa các nội dung liên quan đến tảo hôn vào hương ước, quy ước của thôn, làng, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa kết hợp với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng thôn làng văn hóa, nông thôn mới.

Các cặp vợ chồng tảo hôn đều gặp khó khăn về kinh tế, phải làm thuê, cuốc mướn mưu sinh. Ảnh: Trần Hoàn

Các cặp vợ chồng tảo hôn đều gặp khó khăn về kinh tế, phải làm thuê, cuốc mướn mưu sinh. Ảnh: Trần Hoàn

Tổ chức 1 lớp tập huấn với 100 người tham gia, bao gồm cán bộ thôn, người uy tín, thanh niên, phụ huynh và người dân. Nội dung tập trung vào các chuyên đề như quy định của pháp luật về tảo hôn; thực trạng và hệ lụy của tảo hôn; phong tục tập quán liên quan đến hôn nhân gia đình; vai trò của chính quyền, đoàn thể trong việc giảm thiểu tình trạng này.

Bên cạnh đó, UBND huyện Chư Pưh cũng tổ chức giao lưu, tọa đàm tuyên truyền tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 2 trường THCS với khoảng 600 học sinh tham gia.

Nhờ sự nỗ lực và đồng bộ trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, số cặp tảo hôn trên địa bàn huyện đã giảm xuống rõ rệt. Đến cuối năm 2024, Chư Pưh chỉ còn 30 cặp tảo hôn, giảm 37 cặp so với năm 2023, cho thấy hiệu quả của các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng địa phương.

Theo UBND huyện Chư Pưh, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tiến tới loại bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn, nhằm xây dựng cộng đồng văn minh, tiến bộ.

Trần Hoàn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/no-luc-ngan-chan-tao-hon-o-huyen-ngheo-chu-puh-gia-lai-2380386.html