Nỗ lực ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động

Cần có nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Trong ảnh: Công nhân đang sản xuất tại KCN Hòa Hiệp. Ảnh: NGỌC HÂN

Dịch COVID-19 tác động nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không ít doanh nghiệp (DN) trong tỉnh không cắt giảm lao động mà sắp xếp lại lao động, giãn việc, cố gắng ổn định việc làm, thu nhập, bảo vệ sức khỏe của người lao động (NLĐ).

Chung tay

Thời điểm dịch COVID-19 hoành hành và diễn biến phức tạp, trong khi nhiều DN phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng sản xuất thì Công ty TNHH Hào Hưng Phú Yên (KCN Đông Bắc Sông Cầu) hàng tháng vẫn duy trì ổn định sản xuất hàng chục tấn nguyên liệu, tạo việc làm ổn định cho gần 250 lao động.

Theo ông Lê Văn Hồ, Quản lý Công ty TNHH Hào Hưng Phú Yên, sở dĩ DN vẫn duy trì được nhịp sản xuất bình thường là do công đoàn luôn đồng hành cùng lãnh đạo công ty, kịp thời đề ra những chiến lược, giải pháp ứng phó cùng nhau vượt qua đại dịch. “Cắt giảm lao động để giảm chi phí trong giai đoạn khó khăn này sẽ khiến DN đối diện với nguy cơ thiếu hụt một lực lượng lớn lao động ở giai đoạn hồi phục sau dịch, đặc biệt là những lao động lành nghề. Do vậy, để giữ chân NLĐ, công đoàn đã phối hợp với lãnh đạo DN sắp xếp lại hoạt động sản xuất, điều chỉnh ca làm việc theo khối lượng nguyên liệu nhập về, giảm giờ tăng ca, cho NLĐ thay nhau nghỉ phép năm…”, ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch CĐCS Công ty Hào Hưng cho biết.

Tương tự, Công ty TNHH MOCS Việt Nam (KCN Hòa Hiệp), hoạt động trên lĩnh vực chế biến thủy sản, cũng đã chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tiêu thụ sản phẩm, duy trì sản xuất và tạo việc làm ổn định cho NLĐ. Bà Cao Thị Phượng, Phó Giám đốc công ty này cho hay: “Thị trường xuất khẩu trước đây là các nước châu Âu, Mỹ; do dịch bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của DN. Nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ phải tạm ngưng, tồn đọng hơn 25 tấn thành phẩm, buộc phải chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Hiện tại, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, dẫn đến giảm doanh thu nhưng chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc cắt giảm lao động. Thay vào đó, chúng tôi đang cố gắng hết mức có thể để duy trì công việc cho NLĐ; công tác chăm lo sức khỏe NLĐ được thực hiện nghiêm ngặt hơn, NLĐ phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn và hạn chế tiếp xúc người lạ; nhà xưởng được khử khuẩn và bảo đảm môi trường làm việc thông thoáng”.

Tiếp tục hỗ trợ, ổn định sau dịch

Trong hoàn cảnh khó khăn chung, hiện nhiều DN đã tự tìm kiếm thị trường lao động mới, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền máy móc và lên kịch bản đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh “hậu” đại dịch COVID-19 để đón đợi cơ hội bật dậy. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Điều Đại Hưng Phát (huyện Phú Hòa), bày tỏ: “Trong thời gian qua, vì nguồn nguyên liệu bị đứt đoạn, các thị trường xuất khẩu cũng dừng nhập hàng do thực hiện cách ly và đóng cửa khiến doanh thu DN sụt giảm. Mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, vay vốn ưu đãi… để ổn định sản xuất”.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, cho biết: “Ban chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN, nhà đầu tư duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Đây là thời điểm để DN tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn. Trong bối cảnh này, mỗi DN phải có sự năng động, sáng tạo trong chuyển đổi thị trường, quy trình sản xuất, cách thức sản xuất… Đồng thời đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất, đào tạo nhân lực trình độ cao, mới phát triển một cách bền vững”.

Theo LĐLĐ tỉnh, đơn vị vừa tổ chức thăm hỏi, tặng hàng trăm suất quà cho đoàn viên, CNLĐ bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 300 nữ công nhân tại các DN có đông lao động; trao tiền hỗ trợ xây 7 nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh yêu cầu các cấp công đoàn phải xác định rõ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; tiếp tục chung tay cùng hệ thống chính trị chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng cho mọi tình huống khi có diễn biến xấu xảy ra và tiếp tục quán triệt tinh thần tương thân, tương ái trong phòng chống dịch do Chính phủ đề ra.

LĐLĐ tỉnh đã rà soát, lập hồ sơ tại 35 DN với hơn 3.000 lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh để phản ánh, đề xuất Tổng Liên đoàn có những biện pháp hỗ trợ. Trong thời gian tới, các cấp công đoàn cần tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật cho NLĐ bằng ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, điện thoại…, nhất là vấn đề tiền lương, tiền công, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ông Phan Quốc Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/240048/no-luc-on-dinh-viec-lam-thu-nhap-cho-nguoi-lao-dong.html