Nỗ lực phát triển bảo hiểm y tế vì sức khỏe, lợi ích của nhân dân

Cùng với việc mở rộng phạm vi, mức hưởng khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) của người tham gia, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và ngành y tế đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện chính sách BHYT, tạo thuận lợi nhất cho người thụ hưởng.

Bao phủ BHYT với hơn 91,25 triệu người tham gia

Theo BHXH Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, diện bao phủ BHYT cơ bản hoàn thành theo lộ trình tại các Nghị quyết, văn bản của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

Khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD. Ảnh: Ngọc Yến.

Khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD. Ảnh: Ngọc Yến.

Năm 2002, thời điểm khi BHXH Việt Nam được giao tổ chức, thực hiện đồng thời cả chính sách BHXH, BHYT, cả nước chỉ có khoảng 13,03 triệu người tham gia BHYT. Sau hơn 20 năm trực tiếp tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam đã nỗ lực, kiên trì triển khai nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ người dân được thụ hưởng chính sách BHYT nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Tính đến hết tháng 6/2025, cả nước có hơn 91,25 triệu người (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) có thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe. Đây là kết quả tạo tiền đề vững chắc giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu BHYT toàn dân; trong khi theo thống kê một số quốc gia có nền kinh tế phát triển phải mất hơn 40 năm để đạt được mục tiêu này.

Quyền lợi BHYT mở rộng với gần 96 triệu lượt KCB

Số lượt người KCB BHYT và số chi từ quỹ BHYT liên tục tăng. Quyền lợi KCB BHYT của người dân tiếp tục được mở rộng, nhất là theo quy định của Luật BHYT 2024. Theo thống kê, từ khi Luật BHYT số 25/2008/QH12 có hiệu lực năm 2009 đến hết năm 2024, cả nước đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT; quỹ BHYT chi trả gần1 triệu tỷ đồng cho KCB BHYT. 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 95,59 triệu lượt KCB BHYT tại cơ sở KCB BHYT, tăng khoảng 8,44% so với 6 tháng đầu năm 2024. Ước tính số chi KCB BHYT tại cơ sở KCB BHYT hơn 76,1 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14,8% so với 6 tháng đầu năm 2024.

Việc gia tăng số người tham gia BHYT, cũng như gia tăng số lượt KCB BHYT trên toàn quốc cho thấy chính sách BHYT đã trở thành một nguồn tài chính đáng kể góp phần cùng ngân sách nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc hiệu quả sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh giá dịch vụ y tế tăng (nhất là chi phí điều trị các bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo,…) vai trò của chính sách BHYT ngày càng trở nên thiết thực, quan trọng với người dân hơn bao giờ hết. Thực tế, rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, hay điều trị dài ngày có chi phí chữa bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng đã được quỹ BHYT chi trả. Nhờ đó, đã giúp người bệnh cùng gia đình giảm bớt gánh nặng tài chính để tiếp tục yên tâm điều trị, vượt qua khó khăn.

Nhiều tiện ích trong KCB BHYT

Cùng với việc mở rộng phạm vi, mức hưởng KCB BHYT của người tham gia, cơ quan BHXH và ngành y tế đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện chính sách BHYT, tạo thuận lợi nhất cho người thụ hưởng.

Việc triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip đã mang lại lợi ích đáng kể, nhất là trong việc giúp người dân và cơ sở y tế làm thủ tục KCB nhanh chóng, thuận tiện hơn. Hiện nay, 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD), với hơn 237,5 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT, tăng 83,7 triệu lượt tra cứu so với thời điểm hết năm 2024.

Việc triển khai sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên VneID; sử dụng ứng dụng VssID – BHXH số… giúp quá trình tra cứu thông tin, quản lý lịch sử KCB của người bệnh đầy đủ và minh bạch. Tính đến nay, toàn quốc đã có trên 364,6 triệu lượt gửi dữ liệu từ các cơ sở KCB BHYT lên Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam. Trong đó, có gần 178,9 triệu lượt tra cứu thành công của hồ sơ khám sức khỏe, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại được liên thông sang CSDL quốc gia về dân cư phục vụ tích hợp lên ứng dụng VNeID, tăng hơn 129,6 triệu lượt tra cứu thành công so với thời điểm 31/12/2024 (các dữ liệu này chưa được ký số theo quy định tại Quyết định số 2733/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VneID).

Bên cạnh đó, cả nước có 1.380 cơ sở KCB đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với hơn 6,8 triệu dữ liệu được gửi; có 1.971 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với hơn 2,5 triệu dữ liệu được gửi; 810 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy báo tử, với 33.642 dữ liệu được gửi. Việc liên thông giấy khám sức khỏe lái xe qua hạ tầng của BHXH Việt Nam giúp người dân có thể đề nghị cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe hoàn toàn trực tuyến, thay vì trước đây phải đến nơi cấp giấy phép lái xe để nộp bản giấy của giấy khám sức khỏe lái xe. Tương tự, việc liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam là đầu vào giúp người dân có thể thực hiện DVC trực tuyến toàn trình đối với 02 nhóm TTHC liên thông: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng, thay vì trước đây người dân phải đến UBND xã, phường để nộp bản giấy làm các thủ tục này.

Số lượt người KCB BHYT và số chi từ quỹ BHYT liên tục tăng. Ảnh: Ngọc Yến.

Số lượt người KCB BHYT và số chi từ quỹ BHYT liên tục tăng. Ảnh: Ngọc Yến.

Kiểm soát tối ưu quỹ BHYT vì lợi ích của người bệnh

Nhằm đảm bảo việc sử dụng quỹ KCB BHYT an toàn, hiệu quả vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT, 6 tháng đầu năm 2025, BHXH Việt Nam đã triển khai công tác thực hiện chính sách BHYT với nhiều giải pháp đồng bộ, sớm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp, tổ chức bộ máy theo mô hình mới; kịp thời chi trả đầy đủ các chế độ BHYT và giám định, kiểm soát chi phí tối ưu quỹ BHYT. Thực hiện giao dự toán chi KCB BHYT tới BHXH địa phương ngay sau khi nhận được Quyết định giao dự toán chi KCB BHYT năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, chỉ đạo BHXH các địa phương thường xuyên đánh giá, phân tích, thông báo các cơ sở KCB có chi phí tăng cao để tăng cường các biện pháp quản lý hiệu quả quỹ BHYT. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT. BHXH các địa phương cũng thường xuyên làm việc, trao đổi, phối hợp chặt chẽ với đội ngũ lãnh đạo, các y, bác sĩ tại các cơ sở KCB BHYT để cùng chung tay thực hiện mục tiêu chung vì quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/no-luc-phat-trien-bao-hiem-y-te-vi-suc-khoe-loi-ich-cua-nhan-dan-10311082.html