Nỗ lực phát triển đảng viên trong trường dân tộc nội trú

Những học sinh THPT, đặc biệt là người dân tộc thiểu số luôn được trường học quan tâm, bồi dưỡng để trưởng thành và đứng vào hàng ngũ của Đảng.

A BLiêm và Y Thoáng - học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông kết nạp vào Đảng khi vừa tròn 18 tuổi.

A BLiêm và Y Thoáng - học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tu Mơ Rông kết nạp vào Đảng khi vừa tròn 18 tuổi.

Phát triển đảng viên từ học sinh

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển Đảng viên trong trường học”, những năm qua Trường PTDTNT huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) luôn quan tâm, chú trọng.

Công tác tạo nguồn và phát triển Đảng viên trẻ từ học sinh luôn được nhà trường coi là nhiệm vụ quan trọng trong công tác Đảng của chi bộ nhà trường. Theo đó, chi bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng đến lực lượng nhà giáo, học sinh tiêu biểu. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cấp ủy về ý nghĩa, vai trò của công tác phát triển Đảng viên mới. Bên cạnh đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Hàng năm, chi bộ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho học sinh là những đoàn viên ưu tú. Đến nay, đã có nhiều học sinh được học tập, bồi dưỡng, rèn luyện, trưởng thành… và được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Từ chỉ đạo của Huyện ủy Tu Mơ Rông, Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum, công tác kết nạp Đảng viên, nhất là trong lực lượng giáo viên trẻ và học sinh người DTTS đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, số lượng Đảng viên của nhà trường không ngừng lớn mạnh, cơ cấu có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Đồng thời chất lượng Đảng viên được nâng lên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Năm học 2020 – 2021 và năm 2022 – 2023 chi bộ có 3 học sinh THPT là con em đồng bào DTTS được vinh dự kết nạp Đảng.

Tạo nguồn đảng viên chất lượng

Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Tuân cùng những học sinh tiêu biểu của huyện Tu Mơ Rông.

Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Tuân cùng những học sinh tiêu biểu của huyện Tu Mơ Rông.

Trước hết, chúng ta phải thấy rằng, việc tạo nguồn và kết nạp vào Đảng là rất khó khăn, phải tiến hành công phu, trong thời gian dài và liên tục. Từ khi học sinh bước vào lớp 10, chi bộ nhà trường cần phải chú trọng đến công tác tạo nguồn, bồi dưỡng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhận thức về Đảng, đạo đức, lối sống cho các em. Đồng thời phát hiện và định hướng cho học sinh có tố chất tốt để các em xác định được mục tiêu, phấn đấu trong suốt quá trình học tập, rèn luyện.

Học sinh ở giai đoạn này còn chưa thực sự chín chắn, dễ bị dao động tư tưởng, lôi kéo. Nếu theo dõi nguồn không tốt, sẽ không thể tìm được những Đảng viên trẻ chất lượng. Vì vậy, việc lựa chọn nguồn cần được tiến hành chặt chẽ. Đặc biệt đối với học sinh phải tiến hành liên tục, linh hoạt để tạo cơ hội cho những em có điều kiện và mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng và có khát vọng cống hiến cho nhân dân, cho cộng đồng.

Trong thời gian tới, chi bộ sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, Đảng viên về vị trí, vai trò của công tác kết nạp và sự cần thiết phải nâng cao chất lượng công tác kết nạp Đảng viên. Quán triệt và xác định rõ phương châm, phương hướng nâng cao chất lượng kết nạp Đảng viên, không chạy theo số lượng bỏ qua chất lượng.

Đặc biệt quan tâm đến những học sinh là quần chúng có thành tích nổi bật trong lao động, học tập, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của nhà trường và thi đua để đưa vào kế hoạch kết nạp Đảng.

Việc tổ chức kết nạp đảng viên trong trường phổ thông vừa có ý nghĩa phát hiện, ghi nhận nỗ lực của những quần chúng học sinh ưu tú, vừa tạo ra môi trường để phát triển Đảng trong lực lượng trẻ. Bồi dưỡng học sinh ưu tú kết nạp vào Đảng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Đảng viên mà còn tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, phẩm chất chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới.

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch về điều kiện kinh tế - xã hội giữa vùng đồng bằng và miền núi thì việc phát triển đội ngũ đảng viên là người DTTS càng trở nên cấp bách, có ý nghĩa thực tiễn quan trọng. Đồng thời đòi hỏi chi bộ phải có cách làm sáng tạo, mạnh dạn giới thiệu, tham mưu cho cấp ủy địa phương về công tác phát triển Đảng.

Xây dựng được đội ngũ Đảng viên trẻ vùng đồng bào DTTS từ khi còn là học sinh đủ năng lực, phẩm chất là yếu tố rất quan trọng trong công tác xây dựng, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Theo đó đủ sức lãnh đạo chính quyền và nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng và an ninh biên giới...

Đối với vùng DTTS và miền núi, những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, thậm chí cả hủ tục lạc hậu… đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con. Do đó, việc phát triển đảng viên trẻ người DTTS am hiểu, nắm vững phong tục, tập quán, văn hóa của địa phương sẽ hết sức thuận lợi nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đặng Phan Điệp - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT Tu Mơ Rông (Kon Tum)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/no-luc-phat-trien-dang-vien-trong-truong-dan-toc-noi-tru-post655813.html