Nỗ lực phát triển phong trào thể dục thể thao ở Đam Rông
Đất rộng, người thưa, cơ sở vật chất sân bãi còn rất hạn chế, nhưng huyện vùng sâu Đam Rông những năm gần đây đã có những nỗ lực đáng ghi nhận để phát triển phong trào thể dục thể thao (TDTT) ở địa phương.
Nhiều giải thể thao trong năm
Với 11 sân cỏ nhân tạo có mặt trên địa bàn, bóng đá vẫn tiếp tục là bộ môn có phong trào phát triển mạnh nhất hiện nay tại huyện vùng sâu Đam Rông.
Đa số các sân cỏ nhân tạo này là do tư nhân đầu tư xây dựng theo chủ trương xã hội hóa thể thao. Tại thị trấn Bằng Lăng có 4 sân, xã Đạ Rsal - xã giáp giới với cầu Krông Nô nối Lâm Đồng với Đăk Lăk cũng có 4 sân, các sân còn lại rải rác trong huyện. Ở mỗi sân như ông Hồ Xuân Hướng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện cho biết, đều thành lập các câu lạc bộ (CLB) của mình để sinh hoạt, đồng thời tổ chức các chuyến giao lưu thi đấu đến các sân khác trên địa bàn.
Là một huyện vùng sâu với cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến trên 73% dân số, Đam Rông có khoảng 20 dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, đông nhất là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Đời sống còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, sân bãi dành cho thi đấu thể thao còn thiếu thốn, nên sự có mặt của các sân cỏ nhân tạo này đã tạo điều kiện cho nhiều học sinh, thanh niên, cán bộ, công chức cũng như người dân trên địa bàn Đam Rông có chỗ vui chơi, tập luyện, nhất là trong mùa mưa.
Trên nền phong trào bóng đá sân cỏ nhân tạo này trong cuối tháng 7 vừa qua, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao Đam Rông đã phối hợp với Huyện đoàn tổ chức Giải Bóng đá mini sân cỏ nhân tạo năm 2020 với 12 đội trong toàn huyện tham dự, nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Đam Rông lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại giải đấu này, Đội bóng xã Đạ Rsal - địa phương có nhiều sân bóng với một đội hình đồng đều, thi đấu ăn ý đã xuất sắc vượt qua các đội bóng khác trong huyện để giành Huy chương Vàng cùng Cúp vô địch. Giải Nhì thuộc về Đội bóng xã Đạ Tông, hai đội đồng hạng ba gồm xã Đạ K’Nàng và xã Liêng Srônh.
Cùng với giải bóng đá mini cấp huyện, từ đầu năm đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 nên không tổ chức các hoạt động TDTT tại địa phương trong tháng 3, tháng 4 và đầu tháng 5, nhưng trước đó, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao Đam Rông đã phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức Giải Bóng chuyền “Mừng Đảng - mừng Xuân” dịp đầu năm.
Huyện gần đây đã tổ chức giải cầu lông cấp huyện cùng cử VĐV tham gia Giải Võ thuật cổ truyền trẻ tỉnh Lâm Đồng - 2020 tại Cát Tiên.
Trong năm 2019, Đam Rông đã tổ chức đến 12 giải thể thao cấp huyện với tổng cộng hằng nghìn VĐV tham gia. Đó là giải bóng chuyền nam, giải bóng chuyền nữ 8/3, giải việt dã truyền thống 26/3, giải bóng bàn, giải cầu lông và 7 giải bóng đá gồm giải bóng đá các nhà quản lý, giải bóng đá khối hành chính sự nghiệp - lực lượng vũ trang, giải bóng đá nhi đồng, giải bóng đá thanh niên dân tộc thiểu số, giải bóng đá nữ mini thanh niên các dân tộc, giải bóng đá Hội Nông dân, giải bóng đá nam 12 người toàn huyện.
Trong năm 2019, Đam Rông cũng đã cử 5 đoàn VĐV tham gia các giải đấu thể thao cấp tỉnh, gồm giải quần vợt, giải võ thuật cổ truyền trẻ, giải bóng chuyền nam, giải bóng bàn, giải bóng đá thanh niên các dân tộc tỉnh Lâm Đồng 2019.
Hiện nay, trên địa bàn huyện, theo Trung tâm cho biết bên cạnh bóng đá đã có thêm nhiều bộ môn khác như Karatedo, Teakwondo, võ cổ truyền, cầu lông, quần vợt, Yoga, thể hình với các phòng tập đang hoạt động, nhiều bộ môn có chiều hướng phát triển tốt, làm hạt nhân để huyện dần phát triển phong trào bộ môn này.
Đưa phong trào về cơ sở
Ông Hướng cho biết, trong phát triển phong trào TDTT hiện nay, Đam Rông vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trước nhất, là huyện vùng sâu kinh tế - đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT còn rất nhiều hạn chế, trong khi nguồn kinh phí Nhà nước cho VĐV bồi dưỡng, tập luyện, thi đấu, biểu diễn còn thấp.
Cùng đó, cơ sở vật chất sân bãi phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao tại huyện chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội và nhu cầu hưởng thụ của người dân, đặc biệt là ở các xã trong vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ trương của huyện lâu nay theo ông Hướng, là đưa phong trào về cơ sở, ưu tiên cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT ở cấp cơ sở. Khi cần trung tâm huyện luôn sẵn sàng cử cán bộ xuống xã để hỗ trợ chuyên môn khi xã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cấp xã.
Đặc biệt, vì là huyện có đông dân cư là người dân tộc thiểu số sinh sống nên huyện lâu nay luôn chú ý khuyến khích các cấp cơ sở tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian gắn với cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương mình như bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, phóng lao.. nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa cộng đồng.
Từ nay đến cuối năm, Đam Rông cho biết sẽ tiếp tục tổ chức thêm 7 giải thể thao cấp huyện nữa, bao gồm giải quần vợt, giải cờ tướng, giải bóng bàn, giải bóng đá nhi đồng, giải bóng chuyền Bông lúa vàng, giải bóng đá nữ và giải bóng đá các nhà quản lý.
Huyện cũng đã lên kế hoạch cử VĐV đại diện tham gia 5 giải cấp tỉnh, gồm giải bóng chuyền nam, giải Taekwondo, giải bóng đá thanh niên các dân tộc, giải bóng chuyền nữ và giải bóng chuyền Bông lúa vàng cấp tỉnh.
Cùng đó, theo ông Hướng, huyện cũng đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc trong huyện nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc từ nay đến cuối năm.