Nỗ lực phát triển vùng cây ăn trái chất lượng cao
Bưởi da xanh của gia đình ông Tô Đình Kền ở xã Đức Bình Đông được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: NGỌC HÂN
Những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành được các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với quy mô lớn. Hiện nhiều sản phẩm trái cây của tỉnh được thị trường đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và xây dựng được thương hiệu, đem lại thu nhập cho người dân.
Nhiều mô hình triển vọng
Ông Tô Đình Kền ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) trồng bưởi, ổi, sầu riêng, thanh long. Hiện mô hình trồng cây ăn trái trang trại của ông Kền được chính quyền địa phương chọn là vườn mẫu nông thôn mới và được nhiều nông dân đến tham quan học tập.
Theo ông Kền, mô hình này hình thành từ năm 2016, được gia đình ông chăm sóc theo hướng hữu cơ, khi cây ra trái sẽ bọc từng trái non để tránh sâu bọ và các loại côn trùng tấn công. Nhiều loại cây ăn trái trong vườn đã cho thu hoạch được 2 năm nay, tạo nguồn thu nhập hơn 800 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho gần chục lao động ở địa phương.
“Tôi rất vui vì bưởi da xanh và ổi của gia đình vừa được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đầu tháng 11 âm lịch, nhiều thương lái đã đến vườn đặt mua các loại trái cây chuẩn bị bán tết, chúng tôi không phải lo đầu ra tiêu thụ. Vụ tết này dự kiến vườn bán được 9 tạ bưởi và 4 tạ ổi với giá cao hơn ngày thường từ 10.000-15.000 đồng/kg...”, ông Kền phấn khởi nói.
Tại xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), ông Nguyễn Hải đã thành công với mô hình vườn cây ăn trái rộng hơn 10 sào, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Ông Hải cho biết: Trước khi chuyển sang trồng cây ăn trái, gia đình tôi tập trung làm ruộng và chăn nuôi bò, heo nhưng thu nhập bấp bênh, không đủ chi phí cho con ăn học. Năm 1992, tôi quyết định mua hơn chục gốc bưởi da xanh về trồng thử, thấy cây hợp đất, phát triển tốt nên tôi mở rộng dần diện tích canh tác và trồng thêm các loại cây ăn trái khác như cam sành, xoài tứ quý, mít thái và xen canh khóm dưới tán cây.
Nhờ đa dạng cây trồng, mỗi loại có thời gian thu hoạch khác nhau nên vườn cho thu hoạch quanh năm.
Theo ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thời gian qua, các địa phương phát triển mạnh mô hình thâm canh cây ăn trái theo hướng hữu cơ, cho thu hoạch với năng suất cao, đảm bảo cung cấp nguồn trái cây sạch cho thị trường.
Ngoài theo dõi, nghiệm thu, tổng kết các mô hình đã triển khai các năm trước, năm 2022, trung tâm còn triển khai mô hình thâm canh cây bơ, mít với diện tích 10ha tại huyện Tây Hòa; 3ha trồng cam, dừa xiêm tại huyện Sơn Hòa; đồng thời hỗ trợ giống cây mít, bưởi da xanh, dừa xiêm lùn với diện tích hơn 6ha.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm
Năm 2022, tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh là 7.200ha, tăng 0,5% so với năm 2021; sản lượng gần 50.000 tấn. Tại hội nghị tổng kết sản xuất trồng trọt năm 2022, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho hay: Việc phát triển vườn cây ăn trái hiện nay trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng đầu tư thâm canh thấp, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới hạn chế; công tác quản lý và sản xuất giống cây còn nhiều bất cập; năng suất chưa cao, chất lượng chưa tốt và chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, việc triển khai đề án Xây dựng vùng cây ăn trái gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030 của UBND tỉnh là rất thiết thực.
Để triển khai hiệu quả đề án Xây dựng vùng cây ăn trái gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ngành Nông nghiệp đã đưa vào quy hoạch đất trồng cây ăn trái với những diện tích có đủ điều kiện sản xuất; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ quy trình sản xuất trồng trọt đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm; ứng dụng các mô hình VietGAP, GlobalGAP vào canh tác cây ăn trái...
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT
Theo đề án này, tỉnh sẽ phát triển cây theo hướng thâm canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, đạt năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, thúc đẩy cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh nhà. Phấn đấu đến năm 2030, tổng diện tích phát triển cây ăn trái trên địa bàn tỉnh khoảng 10.000ha (trên 40% diện tích trồng tập trung), diện tích cho thu hoạch khoảng 7.000ha, sản lượng khoảng 65.000 tấn; trên 90% sản phẩm cây ăn trái chủ lực trồng tập trung, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, trong đó có trên 20% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Phạm Văn Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho hay: “Sông Hinh hiện đã có 5 sản phẩm là cây ăn trái được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thời gian tới, Phòng NN-PTNT huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung ứng giống cam sành, bưởi da xanh, mít để nông dân mở rộng diện tích trồng cây ăn trái trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương”.
Còn theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2022, một số sản phẩm từ cây ăn trái đã được chủ thể đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh và đạt OCOP 3-4 sao như: khóm Đồng Din, bánh khóm Đồng Din, khóm sấy Đồng Din (huyện Phú Hòa); bưởi da xanh, ổi (huyện Sông Hinh); dâu tây BB Farm (huyện Sơn Hòa)... Hiện Hội đồng OCOP tỉnh tiếp tục hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục xét công nhận một số sản phẩm từ cây ăn trái trong thời gian tới. Sản phẩm đạt chất lượng OCOP sẽ đưa lên website thương mại điện tử của tỉnh để giới thiệu, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường...
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/291151/no-luc-phat-trien-vung-cay-an-trai-chat-luong-cao.html