Nỗ lực phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em

Bà Võ Thị Sương, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Long (bìa trái) trao đổi với hội viên, phụ nữ về công tác triển khai mô hình Phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em tại địa phương. Ảnh: THÁI HÀ

Những năm qua, các cấp hội LHPN tỉnh luôn nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Xây dựng mô hình từ cơ sở

Nhiều mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em được các cấp hội LHPN thực hiện đã giúp phụ nữ và trẻ em có những hiểu biết cơ bản về cách phòng vệ, tránh bị xâm hại, phòng tránh bạo lực gia đình… Qua đó chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại.

Thống kê của Hội LHPN tỉnh cho thấy, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 20 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 32 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hội LHPN cơ sở đã duy trì trên 300 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 120 CLB Gia đình hạnh phúc, 46 CLB Nuôi dạy con tốt, 10 CLB Mẹ và con gái... Các CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Mới đây, Hội LHPN tỉnh tiếp tục thành lập và ra mắt mô hình Phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em tại xã Xuân Long (huyện Đồng Xuân). Đây là mô hình điểm của Hội LHPN tỉnh nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và người dân về các vấn đề đặt ra hiện nay ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng; vai trò của phụ nữ và các cấp hội trong đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em… Qua đó tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em được sống và hưởng thụ, vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Phấn khởi khi địa phương được chọn làm điểm triển khai mô hình Phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, ông Nguyễn Cho, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Long, cho biết: “Những năm gần đây, trên địa bàn xã Xuân Long không ghi nhận các vụ việc liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhưng việc Hội LHPN tỉnh chọn xã Xuân Long triển khai thí điểm mô hình cũng nhắc nhở chúng tôi không được lơ là, mất cảnh giác để tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra. Để mô hình thật sự hiệu quả, các thành viên tham gia tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Từ đó giúp người dân nắm bắt và hiểu rõ hơn vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em cũng như con em mình được an toàn”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Xuân, năm 2021, trên địa bàn huyện xảy ra một vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi ở xã Xuân Sơn Bắc và một vụ dâm ô người dưới 16 tuổi tại xã Xuân Quang 2. “Các nạn nhân của bạo lực, xâm hại có nguy cơ chịu nhiều di chứng suốt đời, tổn hại sức khỏe, thể chất, tinh thần. Chính vì vậy, chúng tôi mong rằng mô hình Phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em được triển khai tại xã Xuân Long sẽ tiếp tục lan tỏa ra nhiều địa phương khác để góp phần giúp phụ nữ, trẻ em được bảo vệ và phát triển toàn diện, lành mạnh…”, bà Dung nói.

Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức

Xác định đẩy mạnh tuyên truyền là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm thay đổi nhận thức của hội viên, người dân, những năm qua, hội LHPN các cấp đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em… Qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.

Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tích cực tham gia phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; đẩy mạnh phong trào thi đua, cuộc vận động gắn với mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ; phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chăm sóc sức khỏe và giáo dục trẻ em. Trong 10 năm 2012-2022, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức 375 buổi truyền thông cho gần 25.000 hội viên, phụ nữ về phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi mua bán người, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh cũng chú trọng tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ hội; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm trợ giúp phụ nữ, trẻ em và người bịbạo lực. Ngoài ra, hội LHPN các cấp cũng nỗ lực đa dạng hóa các kênh tư vấn khủng hoảng dưới nhiều hình thức như: trực tiếp, qua đường dây nóng, mạng xã hội, thư điện tử… để kịp thời hỗ trợ người dân khi cần.

Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, xâm hại, bạo hành là những vấn đề nhạy cảm, người trong cuộc thường không muốn người ngoài biết vì mặc cảm, sợ bị kỳ thị. Tuy nhiên, để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực và xâm hại cho phụ nữ, trẻ em, người trong cuộc cần chủ động lên tiếng. Cụ thể, người bị bạo hành trước tiên phải nhận thức được hành vi này là vi phạm pháp luật và mạnh dạn tố giác để tự bảo vệ bản thân mình. Các địa phương, đơn vị, khi phát hiện có những vụ việc bạo hành, xâm hại đối với trẻ em, bạo lực trong gia đình phải chủ động nắm tình hình, sau đó cùng với các ngành xử lý nghiêm những hành vi bạo hành, bạo lực, xâm hại. Từ đó tạo sức răn đe, xây dựng gia đình thật sự no ấm, tiến bộ, hạnh phúc...

Mặc dù có nhiều tiến bộ trong công tác bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em, nhưng trên địa bàn tỉnh, những hiện tượng xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhất là xâm hại tình dục vẫn xảy ra. Chính vì vậy, tôi kỳ vọng mô hình Phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em tại xã Xuân Long được triển khai hiệu quả để qua đó, các thông điệp về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến mọi tầng lớp trong xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng an toàn, bình đẳng.

Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/274733/no-luc-phong-chong-xam-hai-phu-nu-va-tre-em.html