Nỗ lực phục hồi ngắn hạn mang tính kỹ thuật và hàm chứa rủi ro

Đà hồi phục mạnh đưa VN-Index thoát khỏi sự trì kéo của nền tích lũy. Tuy nhiên, nhịp hồi phục này mang tính kỹ thuật do chỉ số đã đánh mất xu hướng đi lên và có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào.

Với tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, việc thị trường hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp. (Ảnh: Vietnam+)

Với tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, việc thị trường hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp. (Ảnh: Vietnam+)

VN-Index vẫn đang trong khu vực kiểm định lại ngưỡng 1.100 điểm và đang có nhiều tín hiệu tích cực với biên độ dao động khá chặt chẽ trong các phiên gần đây thì khả năng Vn-Index kiểm tra thành công trong các phiên tới là khá cao.

Đây là nhận định của nhóm nghiên cứu thị trường từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) đưa ra trong báo cáo phân tích thị trường tuần qua.

Hàm chứa rủi ro

Ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích của SHS phân tích kết thúc phiên VN-Index tăng trên 8 điểm (+0,73%) và đóng cửa ở 1.102 điểm, nhờ đó đã lấy lại mốc hỗ trợ 1.100 điểm. Thêm vào đó, trạng thái vận động hiện tại cho thấy dao động của thị trường đang ổn định dần và hình thành nền tích lũy nhỏ có thể tạo nhịp tăng mới.

Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, ông Thành chỉ ra đà hồi phục mạnh vừa qua đưa VN-Index thoát khỏi trì kéo của nền tích lũy. Tuy nhiên, nhịp hồi phục này mang tính kỹ thuật bởi chỉ số này đã đánh mất xu hướng đi lên và có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào. Song, thị trường hiện vẫn đang chưa thể bứt hẳn ra khỏi mốc 1.100 điểm nhưng đang có nhiều tín hiệu khả quan, khả năng thị trường sẽ hình thành nhịp tăng mới là khá cao.

Về góc nhìn trung hạn, ông Thành cho rằng sau giai đoạn thị trường giảm sâu thì thị trường cần vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại với thời gian hình thành nền mới sẽ kéo dài. Điểm số VN-Index đang thoát khỏi trì kéo của nền tích lũy trung hạn nhưng vẫn chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật. Nhưng, nếu trạng thái vận động ngắn hạn của thị trường tích cực thì rất có khả năng VN-Index sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.100 điểm-1.150 điểm.

Về phân tích cơ bản, ông Thành chỉ ra tình hình vĩ mô trong nước mặc dù ổn định với thống kê tăng trưởng GDP các quý đang tăng dần nhưng tốc độ tăng trưởng không đạt kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng yếu cho thấy nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp. Những khó khăn đối với thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ. Trên bình diện quốc tế, tình hình kinh tế và địa chính trị toàn cầu cũng còn nhiều yếu tố khó lường mặc dù các chỉ số lạm phát tại Mỹ, châu Âu có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Với tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, việc thị trường hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp. Do đó, nhịp hồi phục tiếp theo của thị trường có khả năng sớm hình thành khi VN-Index tăng điểm để lấy lại ngưỡng 1.100 điểm (trong phiên cuối tuần). Trong ngắn hạn, mọi nỗ lực phục hồi ngắn hạn đều mang tính kỹ thuật hàm chứa rủi ro,” ông Thành chia sẻ.

Thanh khoản toàn thị trường tăng trở lại

Nhìn nhận rộng hơn, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán MBS cho biết thị trường chứng khoán trong nước khép lại tháng 11 dưới ngưỡng 1.100 điểm, chấm dứt chuỗi 2 tháng giảm liên tiếp. Thanh khoản toàn thị trường tăng trở lại trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng dù giảm mạnh ở tuần cuối tháng. Trong đó, các nhóm ngành phiếu chứng khoán, bất động sản và bất động sản khu công nghiệp ghi nhận mức tăng giá mạnh nhất trong tháng, sau khi thị trường tạo đáy ở vùng 1.020 điểm.

Kết thúc tháng, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.091,13 điểm, tăng 6,4%, chấm dứt chuỗi 2 tháng giảm liên tiếp. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, … có mức hồi phục vượt trội so với các nhóm cổ phiếu khác kể từ mức đáy của thị trường. Cả 2 nhóm cổ phiếu này đều có mức tăng bình quân 27% và 21% so với mức tăng 6,4% của chỉ số VN-Index.

Dù phần lớn thời gian thị trường đi ngang tích lũy nhưng độ rộng thị trường ghi nhận mức tăng trên diện rộng ở tháng vừa qua. Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu khác cũng có mức tăng khó tốt, như bất động sản công nghiệp, đầu tư công, hóa chất, xây dựng và vât liệu xây dựng, …

Theo thống kê từ MBS, thanh khoản của thị trường trong tháng 11 đã cao hơn 14% so với tháng Mười. Tuy vậy, thanh khoản bình quân tháng 10 và 11 vẫn thấp hơn 26% so với mức bình quân ở quý 2. Như vậy, thanh khoản bình quân kể từ đầu năm, thị trường đạt gần 17.150 tỷ đồng, giảm xấp xỉ 17% so với mức bình quân năm 2022.

Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 750 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Đây là tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp của khối ngoại với lũy kế kể từ đầu năm, giá trị bán ròng hơn 13.040 tỷ đồng. Như vậy, mạch bán ròng của khối ngoại kể từ tháng 4 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu quay đầu.

Quan điểm thị trường tuần tới, nhóm nghiên cứu của MBS nhận định thị trường bước vào tháng cuối cùng của năm với thông tin được chờ đợt nhất là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào ngày 12-13/12. Đây sẽ là cuộc họp cuối cùng của FED trong năm nay. Trên thị trường lãi suất tương lai, giới đầu tư đang đặt cược FED sẽ không tăng lãi suất trong kỳ họp cuối cùng này.

Trong nước, một số thông tin hỗ trợ thị trường cũng đã xuất hiện, như Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế VAT từ 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chia lại “miếng bánh” tín dụng. Theo đó, các ngân hàng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo, sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022. Ngoài ra, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi), …

Tuy vậy, MBS cũng giữ quan điểm thận trọng và nhận định tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 của Việt Nam giảm xuống mức thấp của 5 tháng với 47,3 điểm. Kết quả chỉ số đang cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã giảm mạnh so với tháng trước.

Về kỹ thuật, MBS dự báo thị trường đang dao động trong vùng tích lũy với biên dưới ở vùng 1.075 điểm, biên trên ở vùng 1.115-1.120 điểm. Với thanh khoản tuần vừa qua giảm tới 30% so với tuần trước, dòng tiền đã trở nên thận trọng nê xu hướng đi ngang khả năng vẫn là chủ đạo chừng nào vùng hỗ trợ 1.075 điểm chưa bị vi phạm. Xu hướng đi ngang càng kéo dài, thị trường càng bất lợi khi chỉ số VN-Index hiện đang nằm dưới các ngưỡng trung bình.

Bên cạnh đó, việc chứng khoán Mỹ đang ở vùng đỉnh có thể là tín hiệu bất lợi khi thị trường trong nước, do vẫn đang hụt hơi so với chứng khoán thế giới ở nhịp hồi phục vừa qua. Trong kịch bản chứng khoán thế giới điều chỉnh khi gặp vùng cản mạnh, xu hướng đi ngang của thị trường trong nước có thể vị phá vỡ.

“Khi ngưỡng hỗ trợ 1.075 điểm bị xuyên thủng, thị trường có thể thoái lui về vùng 1.050-1.065 điểm. Chiến lược đầu tư là nâng cao tỷ lệ tiền mặt trong danh mục. Đây không phải là giai đoạn khó để đầu tư ngắn hạn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu thị trường hoặc đầu cơ. Đối với nhà đầu tư đang có tỷ lệ tiền mặt cao, có thể giải ngân từng phần theo vùng giá ở cổ phiếu khi thị trường lui về các ngưỡng hỗ trợ 1.075 điểm và 1.065 điểm,” báo cáo của MBS chỉ ra./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/no-luc-phuc-hoi-ngan-han-mang-tinh-ky-thuat-va-ham-chua-rui-ro-post911291.vnp