Nỗ lực rèn luyện để đáp ứng yêu cầu đổi mới báo chí
Những năm 1960-1980, Hànôịmới quy tụ được nhiều lớp nhà báo có tên tuổi như Dương Linh, Thanh Thủy, Phấn Đấu, Trịnh My, Yên Thao... Thế hệ tiếp theo đó cũng có nhiều cây viết ấn tượng như Trần Chiến, Nguyễn Triều, Vương Tâm, Phùng Huy Thịnh, Nguyễn Hòa Bình, Lê Tấn Hiển, Đặng Huy Giang, Nguyễn Ngọc Tiến...
Nhiều người đã trở thành nhà văn, nhà thơ và xuất bản nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết, in nhiều tập thơ, thậm chí có những tác phẩm của Trần Chiến, Lê Tấn Hiển đã được chuyển thể thành phim. Giai đoạn này Báo Hànôịmới còn tích cực tham gia chống tiêu cực, tham nhũng. Những loạt bài phóng sự điều tra trên ấn phẩm Hànôịmới Chủ nhật về những vụ việc tiêu cực trong ngành Hàng không, Dầu khí, trong việc xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc Nam... đã có tiếng vang lớn.
Thị trường báo chí ngày càng thể hiện tính cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi các nhà báo phải nỗ lực rèn luyện nghiệp vụ và đạo đức để đáp ứng yêu cầu đổi mới báo chí, sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Chúng tôi rất mừng khi thấy đội ngũ phóng viên trẻ của Báo Hànôịmới đã và đang tiếp bước một cách xứng đáng các thế hệ đi trước. Họ được đào tạo bài bản, thành thạo công nghệ thông tin và có trình độ ngoại ngữ. Trong những năm vừa qua, nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao đăng trên các ấn phẩm của Hànôịmới đã giành Giải báo chí Quốc gia và các giải báo chí khác do Trung ương và các bộ, ngành, Thành phố tổ chức.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhà báo tâm huyết, vững tay nghề, vẫn còn một số không dám xông pha vào điểm nóng, việc đầu tư cho bài viết còn hời hợt... Nếu duy trì cách làm việc này thì sẽ không thể trở thành nhà báo đích thực, thậm chí sẽ bị đào thải. Bên cạnh đó, Hànôịmới cần tập trung khắc phục những vấn đề về mặt tổ chức để khôi phục vị thế, khẳng định vai trò quan trọng của tờ báo, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cũng như cả nước.