Nỗ lực tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

Song song với việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), công tác tái đàn lợn đang được ngành Nông nghiệp huyện Vị Xuyên đẩy mạnh.

Anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Chang, xã Việt Lâm chăm sóc đàn lợn.

Anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Chang, xã Việt Lâm chăm sóc đàn lợn.

Tới thăm trang trại của anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Chang, xã Việt Lâm, với quy mô trên 400 con lợn, chuồng trại được xây dựng khép kín, che chắn cẩn thân, hạn chế tối đa côn trùng lạ xâm nhập. Nhờ vậy, đàn lợn của anh Toàn luôn khỏe mạnh, không mắc dịch bệnh và có lượng thịt sạch cung ứng ra thị trường. Hiện, trang trại của anh có trên 50 con lợn nái. Bằng cách thụ tinh nhân tạo, phối giống an toàn, anh không phải nhập giống từ bên ngoài. Anh Toàn chia sẻ: Để kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, tôi không xuất giống ra thị trường, tiêm phòng vắc xin định kỳ, chuồng trại được khử trùng thường xuyên, hạn chế tối đa người ra, vào. Qua việc kiểm soát và chăm sóc đàn lợn nghiêm ngặt, bình quân mỗi tháng anh xuất từ 7-8 tấn thịt lợn hơi với giá thành từ 90 đến 110 nghìn đồng/kg.

Qua rà soát, tổng đàn lợn hiện có 83.974 con (không tính lợn sữa), trong đó lợn nái có 9.237 con, có khả năng đáp ứng được nhu cầu con giống tại chỗ. Hiện có 45/205 hộ thực hiện tái đàn với quy mô từ 1–4 con; một số nông hộ, trang trại tiếp tục duy trì và nâng quy mô tổng đàn từ 200–500 con. Đồng chí Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, cho biết: Huyện Vị Xuyện là địa phương kiểm soát dịch tốt, có nhiều trang trại lớn, đảm bảo đủ số lượng con giống cung ứng trên địa bàn huyện, không nhập giống từ nơi khác đã giúp bà con tái đàn lợn an toàn, hiệu quả.

Để đảm bảo con giống khỏe, lớn nhanh, có chất lượng thịt tốt nhất, Phòng Nông nghiệp đã rà soát, lựa chọn các con giống chặt chẽ, tuyên truyền tới bà con nhân dân xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y. Các hộ chăn nuôi nên sử dụng phụ phẩm nông nghiệp của địa phương để chăn nuôi lợn. Chủ động tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn, lở mồm long móng… Ngoài ra, Phòng cũng khuyến cáo tới người dân khôi phục sản xuất không thực hiện một cách ồ ạt; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; sử dụng thức ăn chăn nuôi an toàn, tăng cường sức đề kháng cho lợn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Hải cho biết thêm: Để đảm bảo lợn giống và định hướng phát triển chăn nuôi lợn, huyện sẽ tập trung chỉ đạo việc tái đàn, tăng đàn tại chỗ đối với các trang trại lớn, đồng thời thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền tới bà con nhân dân ứng dựng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, triển khai các biện pháp an toàn sinh học bảo vệ đàn lợn giống…

Bài, ảnh: Nguyễn Ngân

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202006/no-luc-tai-dan-sau-dich-ta-lon-chau-phi-761601/