Nỗ lực tái tạo và phát triển bền vững đàn yến trên đảo Cù Lao Chàm
Từ năm 2016 đến nay, đàn chim yến trên đảo Cù Lao Chàm, thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, ngày càng có dấu hiệu sụt giảm.
Trước tình trạng này, thành phố Hội An đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để vừa tái tạo đàn chim yến vừa phát triển bền vững đàn chim quý giá này.
Hang Cả là một trong những hang được chọn để mở đầu cho mùa khai thác yến trên đảo Cù Lao Chàm trong mùa hè năm nay. Để khai thác yến, việc đầu tiên là dựng giàn tre trong hang núi làm chỗ đứng cho người khai thác. Đối với những khe núi nhỏ hẹp, người thợ phải dùng dây thừng, len lỏi từng mõm đá ẩm ướt, trơn trượt để đi, có khe hẹp chỉ vừa đủ thân hình người chui qua để bóc gỡ từng tổ yến. Hang Cả cũng là nơi được Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm chọn làm nơi triển khai nhiều đề tài khoa học mang tính thực tiễn cao trong nỗ lực tái tạo và phát triển bền vững đàn yến quý giá trên đảo.
Ông Nguyễn Lên, Tổ trưởng bảo vệ chim yến Cù Lao Chàm chia sẻ: Trong quá trình khai thác tổ yến, anh em phải hết sức cẩn thận để không làm rách tổ yến, nếu tổ yến rách sẽ làm mất giá trị. Mặt khác, công tác bảo vệ phát triển đàn chim yến luôn được thành phố Hội An, Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm đặc biệt chú trọng, đã đem lại kết quả ban đầu hết sức đáng mừng, đó là số chim non được cứu hộ và số trứng được ấp nở không ngừng tăng lên.
Theo ghi nhận của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm, trong vụ khai thác tổ yến lần thứ nhất năm 2022 diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, hầu hết chim yến ở Cù Lao Chàm đã đẻ trứng, số chim non và chim trưởng thành cũng khá cao. Khi gỡ tổ, trứng và chim non được thu gom cẩn thận. Năm nay, Đội kỹ thuật thu gom được 800 chim non và gần 1.000 trứng, tất cả chim non tiếp tục nuôi và tập bay trước khi trả lại môi trường tự nhiên, trứng thì ấp nở và nuôi dưỡng cho đến lúc biết bay, Tổ trưởng bảo vệ chim yến Cù Lao Chàm Nguyễn Lên cho biết thêm.
Tiến sỹ Võ Tấn Phong, Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm cho biết: Những năm gần đây, chim đẻ muộn và không đồng đều, hiện tượng này đã dần được cải thiện qua từng năm. Năm 2022, Ban đã thu hết số trứng và chim non đem về ấp và nuôi. Tỷ lệ trứng nở và chim sống đạt khá cao, trên 80% là thành công lớn rồi.
Tổ yến khi thu hoạch về được sơ chế sạch sẽ, phân ra nhiều loại dựa vào kích thước và khối lượng tổ. Khoảng 90% tổ yến được xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc) và một số nước châu Á, 10% tiêu thụ trong nước. Hiện tại, 1 kg yến đảo Cù Lao Chàm, loại 1 được bán gần 200 triệu đồng. Trước những dấu hiệu của việc suy giảm đàn chim yến, thành phố Hội An đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để bảo vệ và phát triển bền vững loài chim đặt biệt này.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng: Do sự tác động của nhiều yếu tố, từ năm 2016 đến nay đàn chim yến trên đảo có dấu hiệu sụt giảm và ngày càng mạnh dần. Trước thực trạng này, thành phố đã giao Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật để tiếp cận và đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm đàn chim yến trên đảo. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý tập trung vào hai đề tài nghiên cứu khoa học được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt là cứu hộ chim non và ấp nở chim non nhằm mục đích tái tạo đàn yến.
Sau hơn hai năm thực hiện đề tài với sự giúp đỡ có hiệu quả của các chuyên gia đến từ yến sào Khánh Hòa, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm đã tiếp cận và học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc tái tạo đàn yến, Theo đó, tỷ lệ chim non được cứu hộ thành công và ấp trứng nở không ngừng tăng lên. Về lâu dài, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An đã xây dựng cơ bản, hoàn thiện đề án phát triển bền vững đàn yến Cù Lao Chàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.
Tuy còn nhiều việc phải làm để tiến tới mục tiêu tái tạo và phát triển bền vững đàn yến trên đảo Cù Lao Chàm, song tỷ lệ chim non được cứu hộ và nuôi trưởng thành đạt trên 80% trong hai năm trở lại đây là kết quả của hành trình đầy gian nan, vất vả của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề. Đây còn là kết quả đáng ghi nhận của thành phố Hội An trong công tác tái tạo và phát triển bền vững đàn yến trên đảo Cù Lao Chàm trong thời gian qua.