Nỗ lực, tăng cường các biện pháp phát triển, bảo vệ cây xanh đô thị

Cây xanh luôn giữ vai trò quan trọng, được ví như những 'lá phổi' của thành phố. Chính vì vậy, trước những thiệt hại nặng nề về cây xanh sau cơn bão số 3 vừa qua, lãnh đạo TP. Hà Nội khi chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão đều nhấn mạnh phải cứu cây, nhất là những cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây quý hiếm.

Cần phải có quy hoạch cây xanh đô thị bài bản

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội (Sở Xây dựng) cho biết, qua cơn bão số 3, đa số cây xanh gãy đổ là do không chống chịu được sức tàn phá của thiên nhiên, đặc biệt với hệ thống cây xanh của Hà Nội có tỷ lệ cây già cỗi lớn, môi trường đô thị chật hẹp, không đủ điều kiện cho bộ rễ phát triển tương đương với tán lá.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội trước bão số 3, số lượng cây bóng mát trên địa bàn thành phố có khoảng 1.165.000 cây, trồng trên 1.310 tuyến đường, phố, công viên, vườn hoa, địa điểm công cộng và trong khuôn viên tổ chức, cá nhân. Còn trên địa bàn 12 quận có khoảng 142.000 cây xanh (chưa bao gồm cây trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân).

 TP. Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: PV

TP. Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: PV

Trong số này, theo phân cấp, Sở Xây dựng Hà Nội quản lý hơn 700.000 cây xanh (gồm 194.000 cây đô thị và 510.000 bóng mát, lấy gỗ) trên địa bàn 12 quận, 107 tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai, đường tỉnh, các đường trên địa bàn các huyện, thị xã và Công viên Thủ Lệ. UBND cấp huyện quản lý khoảng 461.000 cây tại các địa bàn còn lại.

Sau cơn bão cây xanh do thành phố quản lý có 11.756 cây gãy đổ, cây dựng lại được ngay tại chỗ là 3.513 cây và cây mang về vườn ươm để cứu là 608 cây. Như vậy, tổng số cây trồng tại chỗ và đưa về vườn ươm để cứu là 4.103 cây. Trong khi đó, cây gãy đổ không cứu được mà cắt thành khúc chuyển về để đấu giá, thanh lý củi, gỗ là 7.635 cây.

Theo một số chuyên gia, Hà Nội cần nghiên cứu, lựa chọn những loài cây cho phù hợp với không gian đô thị. Có những cây trước đây phù hợp nhưng vì sự thay đổi của môi trường, nhu cầu xã hội nên đến nay không còn phù hợp nữa. Do đó, cần lựa chọn những cách làm mới hoặc loại bỏ những cây không còn phù hợp.

để nâng cao chất lượng cây xanh đô thị, Hà Nội cần bổ sung thành phần cây xanh cho đô thị, nhất là các loại cây xanh được trồng trên các tuyến đường. Trong đó, ưu tiên các loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng, môi trường, cảnh quan thiên nhiên, điều kiện vệ sinh, bố cục không gian, quy mô, tính chất cũng như cơ sở hạ tầng, truyền thống tập quán của người Hà Nội.

Việc lựa chọn loài cây trồng phải phù hợp với quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, góp phần cải thiện môi trường, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao và mỹ quan đô thị chung của Hà Nội.Đồng thời, ưu tiên khai thác các loài cây bản địa nhằm tạo lập bản sắc đô thị và phù hợp với điều kiện sinh trưởng phát triển. Lựa chọn cây trồng ngoài việc phải kết hợp hài hòa giữa mục đích trang trí, phân cách, chống bụi, chống ồn còn phải cải tạo được cảnh quan, cải thiện khí hậu và vệ sinh môi trường.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng duy trì hệ thống cây xanh

Để tăng cường các biện pháp bảo vệ, chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị, TP. Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, khi sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, lựa chọn phương án tối ưu nhằm hạn chế việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh hiện hữu trên vỉa hè, dải phân cách.

Sở Xây dựng TP. Hà Nội đề các chủ đầu tư công trình khi thực hiện phải gửi phương án xử lý cây xanh hiện hữu đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xem xét, có ý kiến cấp phép trước khi triển khai.

Các đơn vị được giao kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị, không để tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép đất cây xanh, công viên, vườn hoa, thảm cỏ, vườn ươm cây xanh theo thẩm quyền và quy định; quản lý địa bàn, không để tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép các vị trí được quy hoạch đất cây xanh.

Chủ đầu tư dự án xây dựng mới, dự án cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (gồm vỉa hè, hệ thống rãnh thoát nước, đường điện, cáp thông tin, đường ống nước sạch...) có hệ thống cây xanh đô thị hiện hữu phải lập phương án bảo vệ rễ cây, chằng chống giữ thân cây, phát triển rễ cây nếu bị chặt... Phương án phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thi công.

Đối với các công trình khác khi xây dựng có thể ảnh hưởng đến cây xanh hiện hữu (cây xanh lân cận công trình, cây xanh trong ranh giới dự án), chủ đầu tư phải có trách nhiệm bảo vệ hệ thống cây xanh hiện có.

Trong quá trình thi công, sửa chữa, xử lý kỹ thuật công trình chuyên ngành, đơn vị thực hiện phải thông báo, phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý hệ thống cây xanh để bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật và an toàn của cây xanh.

Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội chủ trì cùng các đơn vị quản lý, duy tu, duy trì cây xanh, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng duy trì hệ thống cây xanh theo các gói thầu; kịp thời phát hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh để thông tin đến chính quyền địa phương cùng phối hợp kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền; báo cáo Sở Xây dựng các nội dung vượt thẩm quyền...

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 65/2024/QĐ-UBND về việc ban hành quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật duy trì công viên, cây xanh và chăm sóc, nuôi dưỡng động vật trưng bày trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/no-luc-tang-cuong-cac-bien-phap-phat-trien-bao-ve-cay-xanh-do-thi-post397036.html