Nỗ lực tăng tốc, xuất khẩu liệu có cán đích năm 2020?

Sự suy giảm của kim ngạch xuất khẩu dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay liệu có được bù đắp trong quý cuối cùng để mục tiêu xuất khẩu cán đích và những nỗ lực của doanh nghiệp có đạt được kết quả bứt phá như kỳ vọng?

Xuất khẩu đạt được nhiều tín hiệu khả quan rõ nét từ tháng 9 đến nay. Ảnh: TL

Xuất khẩu đạt được nhiều tín hiệu khả quan rõ nét từ tháng 9 đến nay. Ảnh: TL

Xuất khẩu tăng gần 8 tỷ USD

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ giữa tháng 9/2020 đến nay đạt 26,93 tỷ USD, tăng 10,8% (tương ứng tăng 2,63 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 9/2020.

Theo đó, kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 9/2020 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng năm 2020 đạt 388,62 tỷ USD, tăng 1,7% (tương ứng tăng 6,6 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong thời gian này, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,05 tỷ USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 đạt 16,52 tỷ USD.

Trong đó, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu nửa cuối tháng 9 đạt 14,49 tỷ USD, tăng ở mức rất cao 14,7% (tương ứng tăng 1,85 tỷ USD về số tuyệt đối) so với nửa đầu tháng 9/2020. Tính đến hết tháng 9 năm 2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 202,57 tỷ USD, tăng 4,1%, tương ứng tăng 7,92 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong nửa cuối tháng 9, tín hiệu đáng mừng đến từ sự gia tăng khá cao của một số nhóm hàng xuất khẩu mũi nhọn như điện thoại các loại và linh kiện (tăng 557 triệu USD, tương ứng tăng 23,9%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (tăng 353 triệu USD, tương ứng tăng 29%); hàng dệt may (tăng 139 triệu USD, tương ứng tăng 10,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 92 triệu USD, tương ứng tăng 4,2%)...

Đáng chú ý, nền xuất khẩu nước ta tiếp tục ghi nhận sự bứt phá vươn lên của khối doanh nghiệp nội. Trong khi tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 233,68 tỷ USD, giảm 3,5% (tương ứng giảm 8,42 tỷ USD) thì trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 154,94 tỷ USD, tăng 10,7% (tương ứng tăng 15,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh nghiệp tăng tốc, tình thế liệu có đổi chiều?

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về “đầu ra” trong thời gian qua, nhưng một số ngành hàng xuất khẩu đã nỗ lực vực dậy và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đơn cử như nông sản, mặt hàng gạo tuy giảm về lượng nhưng tăng trưởng cao về giá trị, xuất khẩu tháng 9/2020 ước đạt 420 nghìn tấn với giá trị đạt 215 triệu USD.

Tại một số thị trường, xuất khẩu gạo tăng đột biến như: Senegal tăng gấp 3,55 lần; Indonesia tăng gấp 2,9 lần; Trung Quốc tăng 82,5%... Bên cạnh đó, một số mặt hàng thủy sản như tôm, cá tra cũng đạt được mức tăng trưởng khả quan trong quý III và dự báo sẽ đạt con số tăng trưởng kỷ lục trong quý IV.

Một số ngành hàng xuất khẩu đang dần nhận được sự lan tỏa tích cực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thông qua việc thu hút nhiều đơn hàng từ các nước thành viên EU. Điển hình như da giày và gỗ có triển vọng tăng trưởng hai con số và sẽ cán đích trong năm 2020.

Còn theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), mặc dù dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm nay có khả năng chỉ đạt 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019, song các DN dệt may vẫn kỳ vọng xuất khẩu sẽ đổi chiều trong những tháng cuối năm nhờ “xúc tác” EVFTA.

Theo các chuyên gia, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt tại một số quốc gia và cơ hội phục hồi đang mở ra cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý IV. Tại các thị trường lớn, khả năng phục hồi của thương mại hàng hóa khá triển vọng, hàng hóa phục vụ đời sống, tiêu dùng cá nhân phục hồi tương đối nhanh sẽ là nền tảng để hy vọng xuất khẩu đạt được kỳ tích trong khoảng thời gian ngắn còn lại của năm 2020.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm, “Bộ Công thương sẽ tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, giao thương áp dụng trực tuyến để duy trì, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt hướng vào tiếp cận một số thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ, Nhật, Đông Nam Á… và tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, hàng hóa thiết yếu…" - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-10-13/no-luc-tang-toc-xuat-khau-lieu-co-can-dich-nam-2020-93395.aspx