Nỗ lực tạo đột phá từ cây vụ Đông

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo giảm đà tăng trưởng của công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ. Để duy trì kinh tế ổn định, tỉnh đang nỗ lực tạo đột phá từ cây vụ Đông với phương châm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Người dân thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) chuẩn bị đất gieo trồng cây vụ Đông.

Người dân thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) chuẩn bị đất gieo trồng cây vụ Đông.

Để có giá trị sản xuất vụ Đông bù lấp giá trị sụt giảm các ngành kinh tế khác, tỉnh tập trung phát huy tối đa tiềm năng đất đai, khí hậu, nhân lực, vật lực của từng vùng; đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; hình thành vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững. Huy động cả hệ thống chính trị chủ động thực hiện sản xuất vụ Đông phù hợp với điều kiện địa phương. Vụ Đông năm nay, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng trên 11.550 ha. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh sản xuất, đưa các loại cây giá trị kinh tế cao vào gieo, trồng. Đồng thời, cử cán bộ khuyến nông bám sát cơ sở, tập huấn kỹ thuật cho người dân; cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp và tổ chức gieo, trồng đúng khung thời vụ.

Để tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất, các địa phương trong tỉnh cần xác định rõ quy mô, loại cây trồng, địa điểm triển khai; chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ. Năm nay, nhiều địa phương ưu tiên các thửa ruộng tốt, chủ động thủy lợi để chuyển sang trồng các cây giá trị kinh tế cao; dồn điền, đổi thửa để hình thành vùng sản xuất vụ Đông tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng. Các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên chuyển đổi trồng ngô sinh khối tập trung ở nơi giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua sản phẩm.

Cây rau vụ Đông của người dân xã Sảng Tủng (Đồng Văn).

Cây rau vụ Đông của người dân xã Sảng Tủng (Đồng Văn).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Ngoài hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, cơ cấu giống và thời vụ, ngành chú trọng chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu, bệnh hại và có biện pháp phòng trừ kịp thời, không để lây lan thành dịch; thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật sản xuất rau theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư dịch vụ ứng trước giống, vật tư, phân bón, kỹ thuật cho sản xuất và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây trồng vụ Đông. Mặt khác, thủy lợi đảm bảo tiêu úng đầu vụ, đáp ứng nước cho giữa và cuối vụ; tập huấn kỹ thuật từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đối với từng loại sản phẩm cây vụ Đông theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Nâng cao vai trò của HTX, tổ hợp tác sản xuất làm dịch vụ nông nghiệp để HTX là cầu nối giữa nông dân, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp; tổ chức thực hiện dịch vụ trực tiếp đến người nông dân, như: Dịch vụ làm đất, giống, vật tư, phân bón, tiêu thụ, bảo quản nông sản...

Ở huyện Mèo Vạc, trong điều kiện thời tiết, khí hậu bất lợi, tập quán canh tác của người dân mang tính manh mún, nhỏ lẻ; nhưng với quyết tâm đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính, huyện tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng và thâm canh các loại cây vụ Đông cho người dân; bước đầu phải quy hoạch vùng và xác định cơ cấu cây trồng phù hợp; tạo phong trào thi đua sản xuất, dần tạo ra sản lượng hàng hóa, của huyện, tăng thu nhập cho nông dân; từng bước thay đổi nhận thức, chủ động lựa chọn cây trồng phù hợp theo mùa và có giá trị kinh tế cao để gieo, trồng.

Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường cho biết: Năm nay, toàn huyện phấn đấu trồng trên 2.000 ha cây vụ Đông; ngành chuyên môn và các xã có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây vụ Đông chủ động rà soát diện tích, vận động bà con mở rộng quy mô gieo, trồng để phục vụ đời sống sinh hoạt và bán ra thị trường; các tổ hợp tác sản xuất rau sạch mở rộng diện tích trên các thửa ruộng không chủ động nước tưới hoặc bỏ hoang để cải tạo trồng rau, đậu các loại. Mặt khác, huyện đẩy mạnh liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giúp người dân nâng cao đời sống.

Ban Chỉ đạo sản xuất cây vụ Đông các huyện, thành phố phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên bám sát cơ sở tuyên truyền, vận động người dân tích cực trồng cây vụ Đông để phát huy tối đa lợi thế địa phương. Hướng dẫn nhân dân thu hoạch nhanh, gọn lúa Mùa sớm, đi đôi với làm đất gieo, trồng cây vụ Đông và đầu tư thâm canh ngay từ đầu vụ. Nâng cao việc hướng dẫn kỹ thuật thâm canh đối với từng loại cây trồng... việc đó hứa hẹn vụ Đông năm nay sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202111/no-luc-tao-dot-pha-tu-cay-vu-dong-783829/