Nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, tăng thu ngân sách bền vững
Nửa đầu năm 2022, một điểm sáng của ngành Hải quan là kết quả thu ngân sách nhà nước rất tích cực. Để có được kết quả này, ngoài nguyên nhân khách quan do sự phục hồi kinh tế kéo theo kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, ngành Hải quan đã có nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng với quyết tâm của cán bộ công chức hải quan trên cả nước.
Số thu tăng tích cực
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 31/5, toàn ngành thu ngân sách đạt 186.649 tỷ đồng, bằng 53% dự toán, đạt 50,4% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Ước thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2022 đạt 222.649 tỷ đồng; bằng 63,3% dự toán được giao; bằng 60,2% chỉ tiêu phấn đấu; tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, dầu thô vẫn là nguồn thu ghi nhận mức tăng cao nhất, đóng góp vào ngân sách với tổng thu khoảng 2.128 tỷ đồng và mặt hàng xăng dầu các loại giúp tăng thu khoảng 8.621 tỷ đồng.
Thực tế, số thu này có được cũng phần nhiều do nỗ lực của toàn ngành Hải quan. Ngay từ đầu năm, chủ động triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành chỉ thị với những chỉ đạo cụ thể để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022.
Nguồn: Tổng cục Thống kế
Các đơn vị hải quan địa phương thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế…; cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý thu NSNN của cơ quan hải quan.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan liên quan; chủ động phối hợp với Bộ Công thương trong việc xử lý kịp thời tình trạng ùn tắc hàng hóa, nông sản tại cửa khẩu biên giới đất liền; giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN năm 2022 tới từng cục hải quan tỉnh, thành phố; theo dõi sát sao tình hình thu NSNN, đánh giá tác động ảnh hưởng đến thu NSNN như việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, sự biến động của giá dầu thô.
Nhiệm vụ chống thất thu cũng được triển khai quyết liệt thông qua kiểm tra giám sát thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế,…
Tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc
Tới đây, toàn ngành Hải quan sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 439/CT-TCHQ ngày 11/2/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022 để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu.
Trong đó, các đơn vị hải quan tiếp tục các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; thường xuyên đồng hành, giải đáp, tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế... cho cộng đồng doanh nghiệp. Đi đôi với đó là cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý thu thuế của cơ quan hải quan.
Kim ngạch nhập khẩu có thuế của nhiều mặt hàng tăng
Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số mặt hàng chính tăng so với cùng kỳ năm trước như: dầu thô đạt 4,1 triệu tấn, trị giá 2.569 triệu USD, tăng 4,6% về lượng, tăng 44% về trị giá; xăng dầu các loại đạt 3,3 triệu tấn, trị giá 3.345 triệu USD tăng 17,1% về lượng, tăng 121,6% về trị giá. Ngoài ra, hầu hết các mặt hàng thống kê được khối lượng đều giảm lượng nhập khẩu (trừ xăng dầu, dầu thô), nhưng do giá tăng nên kim ngạch của các mặt hàng này tăng 22,6%. Trong đó, các mặt hàng không thống kê được số lượng trị giá chỉ tăng 6,5%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách, hiện đại hóa gắn liền với nâng cao hiệu quả của công tác quản lý trong quá trình thực thi công vụ; xác định việc nâng cao xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách, hiện đại hóa hải quan.
Đặc biệt, lực lượng hải quan tăng cường chống thất thu ngân sách qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2022, đồng thời không để phát sinh nợ mới trong năm 2022, qua công tác thanh tra, kiểm tra... Theo đó, tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp.
Cơ cấu thu ngân sách chuyển dịch tích cực
Thu ngân sách trong 5 tháng đầu năm của ngành Hải quan tăng mạnh khiến dư luận băn khoăn về việc nền kinh tế vừa mới phục hồi, doanh nghiệp (DN) vẫn đang gặp khó khăn nhưng thu ngân sách đều đạt cao, liệu có tình trạng lạm thu, ảnh hưởng đến DN? Câu hỏi này đã được lãnh đạo Bộ Tài chính nhiều lần trả lời bằng một câu khẳng định: “Không!”.
Trước khó khăn của DN, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội có những điều chỉnh về chính sách thu ngân sách. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất hàng loạt chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn rất nhiều loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN cho các DN được ban hành, tập trung vào các DN gặp khó khăn hoặc các DN vừa và nhỏ, giúp DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Mặt khác, cơ cấu thu ngân sách đang chuyển dịch theo hướng bền vững hơn. Tỷ lệ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc rất nhiều các yếu tố của thị trường bên ngoài như thu từ dầu thô, xăng dầu các loại, các mặt hàng nguyên liệu dệt, may, da giày, điện thoại, linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử nhập khẩu, hóa chất... Nói cách khác, DN có hoạt động, thương mại có “vận động” thì số thu mới tốt.
Điều này được minh chứng bằng việc kim ngạch xuất nhập khẩu thời gian qua liên tục duy trì tăng trưởng 2 con số và xuất siêu ở mức cao. Cụ thể hơn, trong những tháng đầu năm 2022, các nhóm hàng nhập khẩu có mức tăng trưởng cao đều là đầu vào của sản xuất, kinh doanh như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện,… Tương tự, các nhóm hàng xuất khẩu nhiều ghi danh dệt may, thủy sản, cà phê, gạo và cả máy móc, linh phụ kiện.
Xét cả giai đoạn, xuất nhập khẩu hàng hóa luôn được đánh giá là một trong những điểm sáng của nền kinh tế đất nước. Thời gian tới, thay vì tập trung vào con số, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đang tiến dần đến mục tiêu bền vững, từ đó mang lại nguồn thu bền vững cho NSNN.