Nỗ lực 'tẩy trắng' của ông Trump trước ngày hầu tòa
Hai trong số bốn cáo trạng hình sự mà ông Trump đang phải đối mặt đều bắt nguồn từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, bao gồm vụ truy tố can thiệp bầu cử và cáo buộc lật ngược kết quả bầu cử tại bang Georgia. Tuy nhiên, trong bối cảnh bị cầm chân bởi những lùm xùm pháp lý, ông Trump vẫn có những cách riêng để tiếp tục thu hút sự ủng hộ của cử tri.
Gắn các vụ án liên quan tới cuộc bầu cử năm 2020 với vấn đề nhập cư
Thua trận trước đối thủ Biden trong cuộc bầu cử 4 năm về trước, ông Trump đã lập tức tuyên bố trước truyền thông, kết quả bầu cử đã sai lệch và “cuộc bầu cử bị đánh cắp”.
Luận điểm “cuộc bầu cử bị đánh cắp” của ông Trump thoạt đầu có vẻ như chỉ là một hành động cứu vãn cái tôi sau khi để mất Nhà Trắng về tay đối thủ Joe Biden. Nhưng ngay sau đó, luận điểm này đã trở thành một nỗ lực thực sự nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Chỉ hai ngày sau khi kết quả được công bố, ông Trump đã phát biểu trước truyền thông: “Nếu bạn đếm số phiếu hợp pháp, tôi dễ dàng giành chiến thắng. Nếu bạn đếm số phiếu bất hợp pháp, họ có thể cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử từ chúng tôi”.
Phát ngôn đầy ẩn ý trong thời điểm chuyển giao quyền lực đã châm ngòi cho cuộc bạo loạn của những người ủng hộ cựu Tổng thống hôm 6/1/2021 tại Điện Capitol nhằm phản đối chiến thắng của ông Biden. Sự kiện khiến 450 người bị kết án này đã đi vào lịch sử như một vết nhơ chính trường đối với cựu Tổng thống, nhưng đồng thời cũng chứng minh khả năng thu hút và thuyết phục công chúng của ông Trump.
Tại một đất nước đề cao sự tự do, dân chủ như Mỹ, việc ông Trump biến mình thành một nạn nhân chính trị và phải chịu bất công vì những sai lầm trong việc kiểm phiếu trước truyền thông là một nước cờ khôn ngoan. Ngay cả khi vướng vào cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, cựu Tổng thống vẫn tuyên bố mình vô tội và lá phiếu của những người “không phải công dân Mỹ” đã làm sai lệch kết quả bầu cử. Động thái này của ông Trump đã hướng sự chú ý của cử tri đến một trong những vấn đề đang gây chia rẽ nước Mỹ hiện nay: vấn đề nhập cư.
Mới đây, bang Georgia, với gần 8 triệu cử tri, đã tiến hành một cuộc kiểm tra phiếu bầu theo yêu cầu của cựu Tổng thống. Cuộc kiểm tra này đã phát hiện 1.634 người không phải là công dân Mỹ đã cố gắng đăng ký bỏ phiếu từ năm 1997 đến đầu năm 2022 nhưng không ai thành công.
Dù vậy, sự việc này vẫn làm dấy lên sự bất mãn và nỗi lo ngại giữa lòng nước Mỹ rằng nền dân chủ của họ đang rơi vào tay người ngoài, đặc biệt khi số lượng người vượt biên trái phép vẫn đang leo thang. Trong những bài đăng gần đây trên tài khoản Truth Social, cựu Tổng thống cũng thường xuyên chỉ trích Đảng Dân chủ đang “nhập khẩu hàng loạt người nước ngoài” để có thêm phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2024.
Trong một cuộc phỏng vấn với Christian Broadcasting Network tuần này, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cũng ủng hộ ý tưởng của cựu Tổng thống về việc đảng Dân chủ đang cố gắng thay đổi bản đồ bầu cử.
“Nghe có vẻ giống như một thuyết âm mưu, nhưng tôi nghĩ nó thực sự đúng. Họ đang biến một số người nhập cư bất hợp pháp trở thành cử tri vì mục đích riêng và thay đổi kết quả điều tra dân số vào năm 2030”, ông Johnson nói, đồng thời nhắc đến tình trạng nhập cư mất kiểm soát không chỉ đe dọa tính liêm chính của nền dân chủ mà còn khiến nền an ninh và kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Việc ông Trump gán cáo buộc lật ngược kết quả bầu cử với vấn đề nhập cư có thể tiếp tục duy trì sự ủng hộ của cử tri đối với ông. Cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos vào cuối tháng 2/2024 cho thấy có 26% người Mỹ trưởng thành tin tưởng ông Biden làm tốt hơn trong việc giải quyết vấn đề nhập cư, trong khi có đến 44% đặt niềm tin vào cựu Tổng thống.
Cú bắt tay giữa ông Trump và Chủ tịch Hạ viện Johnson
Hôm 12/4, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã đồng hành với cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại câu lạc bộ Mar-a-Lago (Florida) – cuộc họp báo được xem như một sự kiện tranh cử “không chính thức” của cựu Tổng thống. Cuộc họp báo này cũng diễn ra chỉ 3 ngày trước khi cựu Tổng thống Trump xuất hiện tại phiên tòa hình sự đầu tiên của ông liên quan đến vụ việc trả tiền bịt miệng cho ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels.
Hiện nay, ông Johnson đang ở giai đoạn bấp bênh của sự nghiệp khi các đang đe dọa lật đổ ông nếu Chủ tịch Hạ viện đi ngược lại ý muốn của ông Trump trong vấn đề viện trợ cho Ukraine. Hiển nhiên, ông Johnson phải bắt tay với cựu Tổng thống Trump, đồng thời cũng là ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa để giữ vững chiếc ghế của mình tại Hạ viện.
Chủ đề được công bố trong tuyên bố chung công khai của ông Johnson và ông Trump hôm thứ Sáu là “tính liêm chính trong bầu cử”. Điều này hậu thuẫn mạnh mẽ cho những gì cựu Tổng thống đã phát biểu trước truyền thông nhằm chứng minh các cáo trạng hình sự mà ông đang phải đối mặt là sai lầm.
Theo CNN, hai nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ thu hút sự chú ý của cử tri khi đề cập đến vấn đề liệu nhà nước có nên cho phép dân di cư đi bỏ phiếu hay không. Hiện nay, một số thành phố hoặc khu vực pháp lý đã cho phép những người chưa có quốc tịch bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử phi liên bang - chẳng hạn như cho các vị trí trong hội đồng trường học. Tuy nhiên, luật liên bang quy định rõ, những người không phải là công dân Mỹ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị phạt tiền, ngồi tù hoặc trục xuất. Với những hình phạt này, nhiều ý kiến cho rằng không có một vấn đề nào cần được giải quyết ở đây.
Nhưng cựu Tổng thống Trump lại xem vấn đề này là nội dung trọng tâm trong cuộc họp báo sắp tới, đồng thời ẩn ý rằng việc bỏ qua sự thật này là một âm mưu của đảng Dân chủ nhằm làm sai lệch kết quả bầu cử năm nay, như những gì đã xảy ra 4 năm trước.
Nỗ lực này của ông Trump đang được nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa ủng hộ. Trong cuộc thăm dò vào tháng trước của YouGov, có đến 66% đảng viên đảng Cộng hòa tin rằng ông Trump đang bị đối xử “bất công” khi phải đối diện tới 4 cáo buộc hình sự.
Dù có những bất đồng riêng với Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene vẫn bày tỏ hi vọng hai nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa “sẽ có một cuộc gặp tuyệt vời”.
“Tôi ủng hộ ông Trump. Chúng tôi sẽ chiến đấu để đưa ông ấy trở lại Nhà Trắng. Đây là vấn đề quan trọng nhất”, bà Green nói.
Người phát ngôn chiến dịch của ông Trump - bà Karoline Leavitt cũng cho biết: “Toàn bộ chiến lược của ông Joe Biden và đảng Dân chủ để đánh bại cựu Tổng thống Trump là “cột chặt” ông ấy vào phòng xử án. Ông Trump sẽ tiếp tục đấu tranh cho sự thật và chia sẻ thông điệp của mình trên con đường tranh cử” - bà Leavitt nói.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/no-luc-tay-trang-cua-ong-trump-truoc-ngay-hau-toa-post1088733.vov