Nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của đảng Dân chủ trước Quốc hội Mỹ năm 2005
Từng dẫn đầu một nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ lên kế hoạch thách thức kết quả bầu cử Tổng thống trước Quốc hội năm 2005, Thượng nghị sĩ Barbara Boxer khẳng định, những gì bà làm khác hoàn toàn so với diễn biến trong năm 2020.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đã kết thúc sau 2 tháng đầy tranh cãi. Theo đó, ngày 6-1 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, với vai trò Chủ tịch Thượng viện, đã chính thức xác nhận đại diện đảng Dân chủ Joe Biden là người chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng. Như vậy, ông Biden đã được công nhận là Tổng thống thứ 46 của Mỹ và sẽ bắt đầu công việc tại Nhà Trắng kể từ ngày 20-1 tới.
Trước phiên họp Quốc hội mới, hơn 100 hạ nghị sĩ cùng với 12 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã tuyên bố sẽ thách thức kết quả cuộc bầu cử trong ngày 6-1. Dù vậy, những nỗ lực này đã không thể giúp họ lật ngược chiến thắng của ông Joe Biden. Trước đây, trong các kỳ bầu cử trước, Quốc hội Mỹ cũng từng chứng kiến những nỗ lực tương tự đến từ các nghị sĩ. Cụ thể, năm 2017, hai hạ nghị sĩ đảng Dân chủ là Jamie Raskin (bang Maryland) và Barbara Lee (bang California) đã phản đối việc xác nhận chiến thắng của Tổng thống Donald Trump. Họ viện dẫn lý do về sự đàn áp cử tri và sự can thiệp của Nga để từ chối xác nhận thắng lợi của ông Trump, song nỗ lực này cũng không đi đến đâu.
Năm 2004, diễn biến tương tự cũng xảy ra đối với thắng lợi đầu tiên của cựu Tổng thống George W. Bush. Tuy nhiên, nỗ lực thách thức lớn nhất đối với kết quả bầu cử Tổng thống xảy ra vào năm 2005. Khi ấy, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Barbara Boxer (bang California) cùng với Hạ nghị sĩ Stephanie Tubbs Jones (bang Ohio) đã tuyên bố phản đối xác nhận kết quả thắng lợi của ông George W. Bush tại bang Ohio. Động thái của 2 nữ nghị sĩ đã làm gián đoạn phiên họp chung của lưỡng viện. Theo đó, Thượng viện và Hạ viện đã phải tách ra và họp bàn ở 2 nghị trường riêng để bỏ phiếu biểu quyết về vấn đề này.
Thượng nghị sĩ Boxer đã tận dụng thời gian thuyết phục các thành viên Thượng viện. Cụ thể, bà Boxer chỉ ra một trong những điểm bất thường nhất được ghi nhận trong cuộc bầu cử năm 2004 là những dòng người xếp hàng dài quá mức tại các điểm bầu cử, phần lớn thuộc khu vực đô thị, nơi đảng Dân chủ chiếm ưu thế. Điều này đã phần nào gây cản trở tới việc bỏ phiếu của những cử tri đảng Dân chủ bởi họ phải chờ đợi trong nhiều giờ đồng hồ. Ngoài ra, nhiều máy bỏ phiếu cũng gặp trục trặc kỹ thuật và tỷ lệ phiếu tạm thời bị từ chối của cộng đồng người Mỹ gốc Phi tương đối cao, có thể gây ra tình trạng mất cân bằng.
Bất chấp nỗ lực thuyết phục của bà Boxer, cuộc tranh luận trong Thượng viện năm đó đã kết thúc chỉ sau khoảng 1 giờ, với 74 người tán thành giữ nguyên kết quả phiếu đại cử tri ở Ohio và 1 phiếu phản đối duy nhất của bà Boxer. Trong khi đó, phiên họp Hạ viện kéo dài lâu hơn nhưng kết quả cũng không mấy khác biệt so với 267 phiếu đồng ý giữ nguyên kết quả, 31 phiếu chống.
Khi được hỏi về sự tương đồng giữa nỗ lực thách thức kết quả bầu cử trong năm 2005 và năm 2020, bà Barbara Boxer nhận định: “Sẽ không có sự so sánh với 2 vấn đề này. Chúng như quả cam và quả táo, như sao Kim và sao Hỏa. Khi ấy mục đích của chúng tôi rất rõ ràng, chúng tôi không đòi hỏi phiếu bầu phải chuyển từ ai sang ai. Ông John Kerry hoàn toàn không tham gia vào nỗ lực này, ông ấy đã nhận thua từ trước đó. Chúng tôi chỉ muốn công bằng cho những cử tri ở các khu bầu cử thiểu số tại Ohio, những người đã phải xếp hàng dưới mưa trong 2-4-5-6 thậm chí là 9 tiếng đồng hồ đợi đến lượt bỏ phiếu”.
Bà nói thêm: “Trong khi đó, nỗ lực thách thức cuộc bầu cử năm nay được thực hiện bởi Tổng thống đương nhiệm, người không ngừng tuyên bố ông ta đã chiến thắng. Tất cả được thực hiện với mục đích lật ngược kết quả bầu cử. Vì vậy, điều này khác hoàn toàn so với những gì chúng tôi đã làm. Đây là một sự lạm dụng quyền lực và luật pháp”.