NATO đang rất nỗ lực thăm dò hệ thống phòng không Crimea bằng cách điều máy bay của mình tới biên giới Nga, nhưng hành động trên có thể khiến họ phải hối tiếc, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị - Xã hội của trường Plekhanov, thành viên hội đồng "Sĩ quan Nga", ông Alexandr Perendzhiev bày tỏ quan điểm.
Mới đây một máy bay NATO không rõ danh tính đã thực hiện thao tác nguy hiểm trên Biển Đen. Cụ thể nó đã tiếp cận biên giới Liên bang Nga, sau đó mô phỏng một cuộc tấn công nhằm vào Sevastopol.
Đồng thời cần lưu ý rằng không thể xác định được nguồn gốc chiếc máy bay bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên giám sát mở. Từ đó chắc chắn rằng chúng ta không thể nói về một phi cơ dân dụng.
Ngoài ra theo cổng thông tin Flightradar 24, chiếc phi cơ bí ẩn này hoạt động cùng với máy bay trinh sát Boeing RC-135W của Không quân Mỹ, chúng đã duy trì độ cao vào khoảng 5.000 mét.
Trước diễn biến trên, ông Perendzhiev cho rằng hàng không đối phương đang nghiên cứu khả năng phòng thủ của bản thân quân cảng Sevastopol nói riêng và toàn bộ bán đảo Crimea nói chung.
“Chắc chắn đây là một mối đe dọa nghiêm trọng. Rốt cuộc, nếu những đòn tấn công mô phỏng như vậy được thực hành, điều đó có nghĩa là tuyến phòng thủ của chúng ta đang bị thăm dò, và nó liên tục bị quấy rối".
"Đồng thời, lộ trình của cuộc tấn công sắp xảy ra vào Sevastopol đang được vạch ra trực tiếp. Những điểm yếu trong lưới lửa phòng không của chúng ta nguy cơ sẽ bộc lộ trước đối phương".
"Đó là lý do tại sao các máy bay NATO lần lượt thực hiện các hoạt động như vậy và họ có thể vượt qua tuyến đường đã chuẩn bị ở chế độ bí mật”, chuyên gia Perendzhiev lưu ý.
Theo ông Perendzhiev, mỗi lần xuất kích như vậy đến biên giới Nga đều do các phi công NATO thực hiện theo một kế hoạch nghiêm ngặt, nghiêm cấm đi chệch hướng.
Xét cho cùng, đây là cách duy nhất để nghiên cứu một cách đáng tin cậy nguyên lý hoạt động của những hệ thống radar cảnh giới đặt trên bán đảo Crimea, cũng như các hệ thống tên lửa phòng không của Nga.
“Một lộ trình cụ thể luôn được vạch ra, sau đó sẽ thiết lập tốc độ nhất định của máy bay, độ cao của chuyến bay, thậm chí có thể dao động ở độ cao này".
"Và cuối cùng, có một nỗ lực để tìm hiểu cách thức hoạt động của các radar và hệ thống phòng không của chúng ta, tại thời điểm chúng ta phát hiện máy bay địch. Theo cách này, lưới lửa bảo vệ bầu trời liên tục được kiểm tra và thăm dò”, ông Perendzhiev nói.
Đồng thời, những chuyến bay như vậy cũng là bước chuẩn bị tâm lý tốt cho các phi công NATO. Phi công càng thường xuyên tiếp cận biên giới đối phương thì khả năng anh ta cảm thấy hoảng sợ trong một cuộc xung đột vũ trang thực sự càng thấp.
Tuy nhiên đây cũng có thể là trò đùa tàn nhẫn - phi công trong điều kiện như vậy có thể mất cảnh giác và vô tình vi phạm biên giới Nga trong khi thực hành một động tác, điều này sẽ tạo cơ hội cho phòng không Nga nổ súng tiêu diệt.
“Tất nhiên, tất cả những điều này đều là những lời khiêu khích và hành động như vậy sẽ lặp đi lặp lại, NATO sẽ liên tục xác định chính xác thời điểm máy bay của chúng ta cất cánh để đánh chặn. Đó là lý do tại sao họ không sợ bị phát hiện".
"Rốt cuộc, các phi công NATO ít nhất cũng sẽ tích lũy được kinh nghiệm và làm biến mất nỗi sợ hãi trước Nga. Tôi phải nói rằng đây là một công việc rất vất vả".
"Chúng ta phải làm gì trong trường hợp như vậy? Tốt hơn hết là nên đảm bảo rằng không ai vi phạm ranh giới và kiên nhẫn chờ đợi".
"Nhưng cũng phải cho họ biết rằng không nên vượt qua lằn ranh đỏ và cuộc thử nghiệm sức mạnh tiếp theo của hệ thống phòng không Crimea có thể khiến họ gặp tổn thất về nhân sự”, chuyên gia Alexander Perendzhiev kết luận.
Bạch Dương