Nỗ lực thay đổi

Tờ South China Morning Post số ra ngày 16-2 cho biết Singapore đang tìm mọi cách để hướng tới năng lượng xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.

Hồi tháng 12 năm ngoái, ông Chan Chun Sing - Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, cho biết, Singapore đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ sản xuất sản lượng 2 GWp điện mặt trời, chiếm khoảng 4% tổng nhu cầu tiêu thụ điện hiện nay trên cả nước.

Ông Chan Chun Sing cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức mới và cấp bách về biến đổi khí hậu, dẫn đến phải thay thế các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch và thân thiện hơn với môi trường”. Theo ông Chan Chun Sing, Singapore là một quốc gia dễ bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao trong khi thời tiết cũng ngày càng nóng hơn và lượng mưa lớn hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Singapore có ít lựa chọn năng lượng thay thế do diện tích đất hạn chế, không có tài nguyên thủy điện hoặc địa nhiệt và tốc độ gió thấp.

Ngành công nghiệp năng lượng sạch ở Singapore đã phát triển thêm hàng trăm công ty năng lượng sạch chỉ trong hơn 10 năm qua. Ủy ban Kinh tế tương lai khẳng định năng lượng sạch là giải pháp đô thị, một trong những động cơ phát triển của đất nước. Giáo sư Thomas Reindl, Phó Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Năng lượng mặt trời Singapore (SERIS), cho biết: “Singapore đã tự xây dựng một chính sách địa phương cho những công ty năng lượng mặt trời dựa trên chuỗi giá trị, từ người phát triển đến tài chính theo tất cả các cách để vận hành, bảo trì và quản lý tài sản”.

Trung tâm của việc thúc đẩy sự phát triển của năng lượng sạch ở mỗi quốc gia phải là chính phủ, người nắm giữ vai trò chìa khóa cho những hoạt động đầu tư nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch và khuyến khích các mô hình thương mại, kinh doanh mới, đồng thời cổ vũ sự phát triển các nhu cầu đối với năng lượng sạch và tiếp tục thực hiện nó trong tương lai. Sự đầu tư của chính phủ không những là khoản đầu tư về kinh tế đơn thuần mà nó còn là động thái tác động trực tiếp, thúc đẩy sự hình thành các viện nghiên cứu của nhà nước như SERIS tại Đại học Quốc gia Singapore và Viện Nghiên cứu năng lượng của Đại học Công nghệ Nanyang (ERI@N). Những đơn vị này cùng các công ty tư nhân đã mở ra nhiều giải pháp, thu hút được vô số đầu tư tư nhân và lĩnh vực quản lý năng lượng, như mạng lưới siêu nhỏ hay dự trữ năng lượng.

ERI@N, đơn vị phát triển dự án mạng lưới siêu nhỏ đầu tiên của Đông Nam Á dưới tên gọi Người tiên phong với năng lượng tái tạo Singapore (Renewable Energy Integration Demonstrator - Singapore, REIDS), hiện đang làm việc với một loạt những công ty năng lượng đa quốc gia như Engie, General Electric, Schneider Electric… để thử nghiệm những giải pháp quản lý năng lượng. Công nghệ sản xuất ra năng lượng quy mô nhỏ có thể cung cấp cho dân cư vùng nông thôn đang có xu hướng trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Singapore bởi nó phù hợp với địa hình bị phân tách và nhu cầu năng lượng sạch của Đông Nam Á ngày một lớn hơn. “Công nghệ mạng lưới siêu nhỏ rất có tiềm năng với 17.000 đảo ở Indonesia và 7.000 đảo ở Philippines”.

Singapore sẽ tiếp tục có những dự án và thử nghiệm mới trong lĩnh vực dự trữ năng lượng. Từ cách lưu trữ điện an toàn cho đến việc thu hút sự quan tâm của các quốc gia nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng sạch hơn và áp dụng công nghệ hiện đại hơn, quốc đảo này đều sẽ nằm trong nhóm những người đi đầu.

VIỆT LÊ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/no-luc-thay-doi-646359.html