Nỗ lực thu hút học sinh đến thư viện trường đọc sách
Để thúc đẩy văn hóa đọc, thư viện nhà trường cũng luôn duy trì các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách cho học sinh toàn trường.
Mạng xã hội xuất hiện và phát triển mạnh mẽ cùng với đó có nhiều trò chơi trên thế giới ảo vô cùng hấp dẫn lôi kéo cả người lớn và trẻ nhỏ không còn hứng thú với những cuốn sách. Đặc biệt là lứa tuổi học sinh, các em cũng bị cuốn theo và lơ là với việc đọc sách.
Ở nhiều trường học, thư viện đạt chuẩn, đầu sách nhiều nhưng vẫn vắng học sinh tới đọc. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như liên tục bổ sung sách hay, hợp thị hiếu, luân chuyển sách giữa các trường, cộng điểm cho lớp có số lượng học sinh đến thư viện nhiều nhất...thế nhưng, mỗi giờ ra chơi, tình trạng thư viện "vắng tanh như chùa Bà Đanh" vẫn xảy ra ở không ít trường.
“Truyền lửa” đọc sách cho học sinh
Đầu năm học 2023-2024, tập thể thầy trò Trường Tiểu học Tân An 1, thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận được tiếp nhận một dãy phòng học vừa xây mới khang trang trong đó có một phòng thư viện đạt chuẩn quốc gia.
Phòng thư viện được đặt ở lầu 1. Bước chân vào thư viện gây ấn tượng đầu tiên là không gian sáng sủa, sạch sẽ. Dãy bàn đọc đều có vách ngăn che chắn, đảm bảo được không gian đọc riêng tư, yên tĩnh, ít bị phân tâm.
Nhà trường cũng đã mua nhiều sách truyện, phong phú về thể loại và nội dung, phù hợp với lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Ngoài ra, thư viện còn có nhiều sách báo, tạp chí, tài liệu tham khảo khác.
Sách trong thư viện được sắp xếp gọn gàng, khoa học. Trên bảng tin luôn có mục điểm sách từng chủ đề, chủ điểm theo tuần, theo tháng, giúp học sinh dễ dàng chọn sách đọc hợp sở thích của mình.
Thư viện nhà trường đã cùng lúc thực hiện khá nhiều biện pháp tạo thuận lợi cho học sinh đến với sách mỗi ngày. Đó là, trong từng lớp, đã bố trí một góc đọc bên dưới lớp gọi là góc “Thư viện xanh của lớp”.
Thư viện đã giao cho mỗi lớp vài chục cuốn sách với nhiều thể loại như truyện tranh, truyện ngụ ngôn, truyện lịch sử, đạo đức... để dưới góc lớp, giúp học sinh dễ dàng đọc vào đầu giờ và giờ ra chơi.
Cứ một thời gian ngắn, những giỏ sách lại được luân chuyển từ lớp này sang lớp khác tạo sự mới lạ giúp các em không bị chán.
Bên cạnh đó, ở một góc sân trường cũng đã bố trí thư viện xanh. Cứ gần giờ ra chơi, cô thủ thư lại mang sách xuống thư viện xanh để trưng bày vào các giỏ sách di động.
Tuy thế, thư viện xanh chỉ hoạt động hiệu quả vào mùa khô. Vào mùa này, nếu trời mưa bất chợt việc di chuyển sách gặp khá nhiều khó khăn như sách sẽ bị ướt và học sinh cũng sẽ không có chỗ ngồi khô ráo để đọc.
Tâm tư của cô hiệu trưởng
Nhận thấy, số lượng học sinh tới thư viện (trên lầu 1) cũng khá ít. Cô Phạm Thị Thuận, Hiệu trưởng nhà trường trăn trở, vị trí đặt thư viện ở lầu 1 lại hướng Tây Bắc khá nắng nóng về buổi chiều nên có phần ít nhiều khiến học trò "ngại" vào thư viện đọc sách.
Bên cạnh đó, phòng đọc chỉ có tối đa 36 chỗ ngồi cũng không đủ chỗ nếu các em đến thư viện đông. Thư viện di động góc sân trường không có nơi để sách khi trời mưa đến, chỗ ngồi cũng không được thoải mái để các em vào đọc thường xuyên.
Vì vậy, ý tưởng xây dựng phòng đọc sách gần gũi với thiên nhiên, đẹp và bắt mắt (đúng với thị hiếu của học trò tiểu học) để thu hút học sinh đến với sách đã được triển khai rộng rãi trong toàn trường.
Do kinh phí nhà trường eo hẹp, mọi thứ phải được tận dụng một cách tối đa. Tiêu chí, rẻ, đẹp và tiện ích được phát huy cao độ. Nhà trường chuẩn bị kinh phí bằng nguồn ngân sách và sự ủng hộ của một số nhà hảo tâm để làm một phòng thư viện phía góc sân trường. Giáo viên góp sách, góp các giỏ hoa, chậu cây để trang trí cho thư viện thêm phong phú và đẹp mắt.
Một số phụ huynh đã ủng hộ lốp ô tô cũ. Vào ngày nghỉ, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường bỏ công sức cải tạo lại những chiếc lốp ô tô, rồi sơn màu và tạo thành những chiếc bàn đọc sách xinh xắn, bắt mắt.
Chỉ sau một tuần phát động, thư viện xanh đã hoàn thành ngoài sức mong đợi. Những chiếc bàn đọc sách từ lốp ô tô mang đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng cũng được đặt dưới tán cây mát rượi. Học sinh rủ nhau vào thư viện mỗi ngày một đông. Những chiếc bàn đọc kín chỗ ngồi. Các em vừa ngồi đọc sách báo, vừa xem tranh và nghe bạn đọc.
Bổ sung số lượng sách phong phú về chủng loại, đa dạng về nội dung
Để duy trì lượng bạn đọc trong thời gian dài là điều không hề dễ dàng. Nếu đến thư viện, ngày nào cũng là những cuốn truyện ấy, nhiều em sẽ chán ngay.
Cô thủ thư đã đề xuất lên nhà trường việc mua sắm, bổ sung các loại sách phù hợp với thị hiếu học sinh tiểu học như sách các loại truyện tranh, truyện cổ tích, ngụ ngôn, trinh thám, truyện về người tốt việc tốt, những câu chuyện về đạo đức nhẹ nhàng nhưng mang tính giáo dục cao...
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là bổ sung sách truyện bằng nguồn ngân sách cũng sẽ không thể thường xuyên do nguồn hạn hẹp. Phong trào ủng hộ sách truyện cho thư viện đã được triển khai rộng rãi trong toàn trường từ giáo viên đến học sinh.
Để thúc đẩy văn hóa đọc, thư viện nhà trường cũng luôn duy trì các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách cho học sinh toàn trường.
Chủ đề được giáo viên, học sinh chọn trưng bày và giới thiệu nhiều nhất là về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Chủ quyền và biển đảo Việt Nam; Những câu chuyện đạo đức.
Em Hoàng Quyên, học sinh lớp 2A cho biết: “Từ khi có thư viện xanh, trong giờ ra chơi, ngày nào con cũng vào thư viện đọc sách, đọc truyện tranh”.
Em và các bạn đều thích thú khi đọc truyện ngay ngoài sân trường dưới bóng mát của những tán cây. Điều này rất thoải mái giúp em và các bạn thấy thích thú.
Không gian xanh của thư viện nơi góc sân trường đã giúp các em hứng thú, say mê hơn trong việc đọc sách. Việc học sinh đến với thư viện đọc sách mỗi ngày một nhiều hơn đã mang lại khá nhiều lợi ích cho các em và cho cả nhà trường. Các em đã ít chạy nhảy, nghịch ngợm hơn trước.
Ngoài ra, giải trí bằng sách đã giúp học sinh học tiết đọc mở rộng của chương trình mới hiệu quả hơn. Đồng thời, giúp các em nâng cao được sự hiểu biết của bản thân về các kiến thức trong cuộc sống.