Nỗ lực thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh

Thu KPCĐ để tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi NLĐ. Trong ảnh: NLĐ đang làm việc tại Công ty TNHH Concept (KCN Hòa Hiệp). Ảnh: NGỌC HÂN

“Tài chính công đoàn là khâu quan trọng nhằm đảm bảo hoạt động của công tác công đoàn, đặc biệt đối với CĐCS, bởi nó trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ”, đó là lời khẳng định của Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Quốc Thắng khi nói về công tác thu kinh phí công đoàn (KPCĐ) khu vực sản xuất kinh doanh.

Có luật vẫn khó

Ghi nhận nỗ lực thu KPCĐ thời gian qua, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Quốc Thắng cũng phân tích những hạn chế khó khăn trong công tác thu KPCĐ ở khu vực sản xuất kinh doanh. Nhắc lại Luật Công đoàn 2012, ông Thắng cho biết: Theo quy định, tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt nơi đã thành lập hay chưa thành lập tổ chức công đoàn đều phải có nghĩa vụ đóng KPCĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ). Thế nhưng trên thực tế, những năm qua, việc thu KPCĐ ở khu vực sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, kết quả thu thấp, còn nhiều thất thoát.

“Tỉ lệ thu đạt 100% chỉ ở các DN đã có tổ chức công đoàn, còn những DN chưa có tổ chức công đoàn, tỉ lệ thu đạt rất thấp. Nguyên nhân do các DN quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình, sản xuất kinh doanh không ổn định; thậm chí có DN chỉ có tên, còn địa điểm và hoạt động sản xuất kinh doanh không rõ ràng khiến công đoàn gặp khó khăn trong việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và thu KPCĐ”, ông Thắng cho hay.

Chia sẻ về những bất cập, khó khăn khi thu KPCĐ trong doanh nghiệp, bà Phạm Thị Minh Chính, Chủ tịch LĐLĐ TX Sông Cầu, nói: “Tình trạng các doanh nghiệp “lách luật” không đóng KPCĐ vẫn còn tái diễn ở đơn vị không có tổ chức công đoàn. Điều này vô tình làm mất đi quyền lợi của NLĐ cũng như gây thất thoát quỹ BHXH và KPCĐ. Hiện vẫn còn nhiều chủ DN chưa xây dựng thang bảng lương, không ký kết hợp đồng lao động, trốn đóng BHXH cũng gây khó khăn trong việc xác định quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính thu KPCĐ”.

Còn theo bà Trình Thị Tuyết Trinh, Phó Trưởng ban phụ trách Tài chính LĐLĐ tỉnh, cái khó hiện nay là dù đã có chế tài xử phạt (theo Nghị định 95/CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động và Nghị định 88/CP sửa đổi, bổ sung, quy định về mức phạt đối với doanh nghiệp không đóng hoặc chậm đóng KPCĐ), nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể cơ quan hay tổ chức nào được quyền xử phạt và số tiền xử phạt sẽ do ai quản lý...

Thu theo phương thức mới

Để khắc phục tình trạng nhiều doanh nghiệp chây ỳ, không đóng KPCĐ, đảm bảo thu đủ, hạn chế thất thu, công khai, minh bạch nguồn thu và phân phối nguồn thu kịp thời tới các cấp công đoàn, tạo thuận lợi cho việc đóng KPCĐ 2% nhất là khu vực sản xuất kinh doanh, năm 2017, Tổng LĐLĐ đã triển khai việc thu KPCĐ khu vực sản xuất kinh doanh qua tài khoản mở tại VietinBank. Việc triển khai thu KPCĐ tại doanh nghiệp qua một tài khoản tập trung của tổ chức công đoàn, đến nay toàn tỉnh đã có 12/13 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (riêng Công đoàn Viên chức không mở tài khoản qua VietinBank vì không có doanh nghiệp trực thuộc) và có 60 CĐCS trực thuộc tỉnh và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở mở tài khoản tại VietinBank Phú Yên, có 50 đơn vị thực hiện nộp KPCĐ qua tài khoản với số tiền hơn 20 tỉ đồng.

Năm 2020, Tổng LĐLĐ tiếp tục ký kết quy chế phối hợp triển khai thu KPCĐ khu vực sản xuất kinh doanh qua tài khoản mở tại Agribank. Qua đó, các DN có thêm kênh để nộp KPCĐ. Còn công đoàn các cấp có điều kiện tăng cường kiểm soát thu, đảm bảo nguồn thu theo quy định của pháp luật. “Sau khi ký kết quy chế phối hợp với Agribank Phú Yên, LĐLĐ tỉnh đã chủ động phối hợp với các chi nhánh của Agribank tích cực tuyên truyền, tập huấn phương thức thu KPCĐ và hướng dẫn CĐCS mở tài khoản để đóng kinh phí tập trung qua tài khoản Tổng LĐLĐ mở tại Agribank. Đơn vị cũng chỉ đạo, giám sát trong việc theo dõi và quản lý tình hình tại công đoàn cấp dưới. Đồng thời công khai, minh bạch, quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả việc thu, sử dụng nguồn thu tài chính công đoàn”, bà Trình Thị Tuyết Trinh cho hay.

Ông Tô Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, cho biết: Thực hiện việc thu KPCĐ khu vực sản xuất kinh doanh qua tài khoản của Tổng LĐLĐ Việt Nam, năm 2020 Công đoàn Khu kinh tế thu 2% KPCĐ được hơn 4 tỉ đồng, đạt 94,37% kế hoạch năm. Theo tôi, việc thu KPCĐ qua Agribank là hình thức mới. Vì vậy, sau khi LĐLĐ tỉnh hướng dẫn, triển khai, chúng tôi sẽ áp dụng thực hiện ngay”.

Thu KPCĐ qua tài khoản mở tại Agribank là chủ trương mới của Tổng LĐLĐ Việt Nam; yêu cầu các cấp công đoàn nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả. Việc tập trung thu KPCĐ khu vực sản xuất kinh doanh qua các đầu mối tài khoản của Tổng LĐLĐ mở tại Agribank là giải pháp nghiệp vụ quan trọng nhằm thực hiện chủ trương hướng hoạt động về cơ sở, ưu tiên tài chính công đoàn cho các CĐCS để chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ.

Ông Phan Quốc Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/258268/no-luc-thu-kinh-phi-cong-doan-khu-vuc-san-xuat-kinh-doanh.html