Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép trong sản xuất, kinh doanh
6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tập trung cao độ triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; kiên định thực hiện
6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tập trung cao độ triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội vừa triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng hành vượt khó
Đồng chí Trần Minh Hoan, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 19-5-2021 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 tại các KCN trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố tập trung triển khai kế hoạch phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất kinh doanh và khu, CCN theo các nguyên tắc “đảm bảo thực hiện mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch an toàn vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh. Ban Quản lý đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đồng thời với triển khai, thực hiện có hiệu quả “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” năm 2021; đã phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tổ chức diễn tập công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại KCN Hòa Xá. Hàng tháng, Ban Quản lý các KCN tỉnh ban hành các văn bản gửi các doanh nghiệp đôn đốc hướng dẫn về tăng cường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiêp tiến hành tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị mình theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án, kịch bản phòng, chống dịch, phương án tổ chức sản xuất, tổ chức lao động của doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện ứng phó chủ động, hiệu quả nếu dịch bệnh xảy ra tại doanh nghiệp. Thường xuyên cập nhật, lập danh sách các trường hợp người lao động có liên quan đến các địa điểm, trên các phương tiện vận tải công cộng đến từ các vùng, các địa phương có dịch theo thông báo của Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố; danh sách các trường hợp cách ly y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà, tại nơi cư trú. Yêu cầu người lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp mình. Thường xuyên cập nhật, nắm bắt tình hình, diễn biến của dịch.
Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Trần Minh Hoan thông tin thêm: Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù các doanh nghiệp KCN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, song với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và Ban Quản lý các KCN, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành chức năng trong tỉnh đã tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp KCN. Hoạt động sản xuất kinh doanh của 150 doanh nghiệp trong các KCN cơ bản ổn định, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp KCN đạt chỉ tiêu chủ yếu sau: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 12 nghìn tỷ đồng, bằng 46,26% kế hoạch năm (25.940 tỷ đồng); giá trị xuất khẩu đạt 450 triệu USD, bằng 45% kế hoạch năm (1 tỷ USD); nộp ngân sách Nhà nước đạt 200 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 4,5 vạn người lao động với thu nhập bình quân đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã vận động các doanh nghiệp trong KCN ủng hộ hơn 10 tỷ đồng cho quỹ phòng chống COVID-19 của tỉnh. Đồng thời với công tác phòng chống dịch, Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về đầu tư tại các KCN của tỉnh (nhất là ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường). Xây dựng báo cáo rà soát quy hoạch phát triển các KCN tại các huyện ven biển tỉnh Nam Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 và đề xuất nhu cầu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025); báo cáo UBND tỉnh Nam Định về việc lập thủ tục, hồ sơ để trở thành chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Bảo Minh mở rộng (Vụ Bản). Trong 6 tháng đầu năm, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 34 dự án (bao gồm 24 dự án đầu tư trong nước và 10 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký là 2.050,6 tỷ đồng và 44,2 triệu USD. Trong đó: Cấp mới cho 24 dự án đầu tư (22 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký là 2.046,2 tỷ đồng và 2,5 triệu USD; Điều chỉnh tăng vốn 10 dự án (2 dự án đầu tư trong nước và 8 dự án FDI) với tổng số vốn tăng là 4,4 tỷ đồng và 41,7 triệu USD. Đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 442 doanh nghiệp và 36 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 18.142 tỷ đồng (trong đó có 2 doanh nghiệp đăng ký vốn lớn: Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nam Định đăng ký vốn điều lệ 12 nghìn tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nghĩa Hưng đăng ký vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn tỉnh lên 9.935 doanh nghiệp và 801 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 89.708,6 tỷ đồng. Có 265 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã khôi phục hoạt động trở lại. Số doanh nghiệp thực hiện đăng ký qua mạng điện tử chiếm khoảng 50% (thực hiện đăng ký qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chiếm khoảng 25%). Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Các dự án xây dựng khu đô thị trung tâm, khu dân cư tập trung các huyện; Nhà máy điện rác Greenity Nam Định tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc; Khu đô thị Hòa Vượng, Khu đô thị mới Thống Nhất, Khu đô thị mới Mỹ Trung (Công ty Cổ phần tập đoàn Nam Cường); Xây dựng hạ tầng khu đô thị Dệt may Nam Định của Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Dệt may Nam Định.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến và thu hút đầu tư
Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu: Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt trên 80 nghìn tỷ đồng, trong đó: Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2 tỷ USD, đầu tư trong nước đạt trên 30 nghìn tỷ đồng.
Đồng chí Mai Văn Quyết, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Sở KH và ĐT cho biết: Ngày 16-7-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Trong đó tỉnh đề ra các giải pháp quan trọng là: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu, CCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh. Phấn đấu sớm lấp đầy KCN Dệt may Rạng Đông; hoàn thành đầu tư hạ tầng KCN Mỹ Thuận; mở rộng KCN Bảo Minh; đề xuất triển khai KCN Hồng Tiến và các KCN theo quy hoạch; tháo gỡ vướng mắc KCN Mỹ Trung để đi vào hoạt động. Hoàn thiện hạ tầng các CCN: Yên Bằng, Thanh Côi, Hải Vân, Thịnh Lâm, Mỹ Tân,... Xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện, cấp nước, viễn thông và hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh tại các khu, CCN. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin về quy hoạch, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý về dự án đầu tư như: Đất đai, đê điều, môi trường... Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác giải phóng mặt bằng. Thường xuyên đôn đốc, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án để sớm hoàn thành đưa vào hoạt động, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến và thu hút đầu tư. Xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025, danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2030 hướng tới các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước có công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức xã hội hóa để đầu tư hạ tầng khu, CCN, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch... theo quy hoạch để huy động tối đa nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư “tại chỗ”, gắn kết hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch. Nâng cao tính chuyên nghiệp, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm cho đội ngũ trực tiếp làm việc hoặc liên quan tới hoạt động xúc tiến đầu tư các cấp từ huyện đến tỉnh. Tăng cường giới thiệu, quảng bá về môi trường đầu tư, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương trong công tác thu hút đầu tư, thiết lập và xây dựng mối quan hệ hợp tác với các cơ quan ngoại giao, các tổ chức kinh tế lớn trong và ngoài nước./.