Nỗ lực thực thi UNCLOS vì hòa bình, ổn định trên Biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực và Việt Nam trở thành thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Sau 25 năm thực hiện theo tôn chỉ, mục tiêu và nỗ lực thực thi UNCLOS, hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng biển của Việt Nam đã hoàn thiện; đồng thời, trên cơ sở UNCLOS và pháp luật quốc tế, Việt Nam đã giải quyết nhiều vấn đề về phân định biển với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình.

Toàn cảnh lễ kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực và Việt Nam trở thành thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ảnh: TTXVN

Toàn cảnh lễ kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực và Việt Nam trở thành thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ảnh: TTXVN

Hoàn thiện chính sách và hệ thống pháp luật về biển

Ngày 10-12-1982, Việt Nam là một trong 107 quốc gia đầu tiên ký tham gia UNCLOS. Đến ngày 16-11-1994, UNCLOS đi vào hiệu lực, cũng là thời điểm Việt Nam bắt đầu thực thi UNCLOS. Trước đó, ngày 23-6-1994, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS: "Bằng việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị sự quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển".

Với đường bờ biển dài và sở hữu nhiều đảo lớn, nhỏ, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức rõ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo đối với an ninh, quốc phòng của đất nước; đồng thời ban hành nhiều văn kiện nhằm phát triển tiềm năng của biển. Điển hình nhất là Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” được Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) thông qua ngày 9-2-2007, trong đó nhấn mạnh: "Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương”.

Nghị quyết có các quan điểm chỉ đạo cụ thể, trong đó định hướng nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển; khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 09-NQ/TW nhằm phấn đấu, đến năm 2020, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.

Trong 10 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW cho thấy, những định hướng trong chiến lược đã góp phần phát triển kinh tế biển, giữ vững môi trường hòa bình và chủ quyền biển, đảo. 10 năm sau khi “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” ra đời, ngày 22-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045".

Nghị quyết số 36-NQ/TW nêu rõ, đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu... Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Bên cạnh các chiến lược lớn về biển, hệ thống pháp luật về biển và kinh tế biển đã được ban hành để phù hợp với UNCLOS. Đặc biệt, ngày 21-6-2012, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều quy định về nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển, chính sách quản lý và bảo vệ biển, hợp tác quốc tế về biển, quản lý Nhà nước về biển; chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam; nguyên tắc phát triển biển, các ngành kinh tế biển ưu tiên phát triển; lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển; nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển... Lần đầu tiên, Việt Nam có một văn bản luật hoàn thiện khung pháp lý về biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng UNCLOS; theo đó khẳng định, Việt Nam luôn tôn trọng và tuân thủ pháp luật quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và quốc tế.

Giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế

Nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, Việt Nam luôn kiên trì thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trên cơ sở UNCLOS, Việt Nam đã đàm phán và ký các điều ước quốc tế về phân định biển với các nước: Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia. Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia...

BĐBP phối hợp với Cảnh sát Biển tuần tra trên vùng biển Lý Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: CTV

BĐBP phối hợp với Cảnh sát Biển tuần tra trên vùng biển Lý Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: CTV

Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam đã cùng các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nỗ lực đưa nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế vào văn kiện của ASEAN, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ngày 4-11-2002 (DOC) cũng như Tuyên bố 6 điểm ngày 20-7-2012 của ASEAN về Biển Đông. Về lĩnh vực hợp tác quốc tế về biển, trên cơ sở tôn trọng và thực hiện đầy đủ quy định của UNCLOS và mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững biển của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn duy trì hợp tác cùng phát triển với các nước ven Biển Đông nhằm khai thác tiềm năng của biển, tạo môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, tại các diễn đàn quốc tế và các cuộc họp của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn kêu gọi các nước tuân thủ quy định của UNCLOS, chia sẻ thông tin và quan điểm về Biển Đông, đề cao tinh thần giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Thông qua đó, Việt Nam đã một phần đóng góp vào quá trình giữ gìn trật tự pháp lý trên biển nói chung, đưa Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định, mang lại sự thịnh vượng cho các quốc gia trong khu vực.

Thu Minh (tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/no-luc-thuc-thi-unclos-vi-hoa-binh-on-dinh-tren-bien-dong/